Phú Yên có vùng nguyên liệu sắn lên trên 18.000 ha và vùng trồng tiêu khoảng 400 ha. Thời gian gần đây tại các vùng nguyên liệu sắn và tiêu trọng điểm đang xuất hiện những bất thường trong việc thu mua sản phẩm từ phía tư thương, đó là việc mua cả gốc sắn mỳ và hồ tiêu xanh, hồ tiêu chưa được phơi khô. Điều này đang đặt ra câu hỏi rất đáng lo ngại.

Thu mua gốc sắn mỳ - phế phẩm nông nghiệp

Về Sơn Thành Đông và Sơn Thành Tây huyện Tây Hoà (Phú Yên) trong những ngày thu hoạch sắn, không khó để nhận ra những bao sắn lát được chất cao như núi dọc theo tuyến ĐT 645 và hình ảnh những xe tải nườm nượp bốc sắn lát, sắn tươi vận chuyển xuôi Nam, ngược Bắc. Lúc cao điểm, giá sắn lát có khi lên trên 6.000 đ/kg và sắn củ tươi lúc cao nhất lên 2.400 đ/kg, nhưng người dân không có sản phẩm để bán.

goc-san.jpg

"Đại lý" gốc sắn dở khóc dở cười với hàng tồn kho

Tuy nhiên, một điều bất bình thường cũng xảy ra kể từ vụ thu hoạch sắn năm nay tại 2 xã Sơn Thành là tư thương không chỉ mua sắn lát khô, sắn củ tươi để bán cho các nhà máy, để xuất khẩu, mua cây sắn để bán đi các nơi làm giống mà họ còn mua cả gốc sắn mỳ (loại phế phẩm nông nghiệp lâu nay chỉ dùng để phơi khô đun nấu). Để bán được sản phẩm, người dân phải chặt gốc sắn ra lát giống như lát sắn khô và cho vào bao. Cứ mỗi kilôgam (kg) gốc cây sắn đã sắn lát được tư thương mua lại từ những người mua gom ở địa phương từ 800-1.000 đ.

Những người mua gom tại chỗ đặt hàng cho nông dân làm với giá từ 500-600 đ/kg. Không ai biết họ mua gốc sắn để làm gì mà chỉ biết họ mua rồi cho xe tải chở vào cảng Vũng Rô, cảng Quy Nhơn để vận chuyển đi xa. Nhiều người tò mò, kẻ bán tín bán nghi, hay họ mua về để làm giấy, người tỉnh táo nhất thì đặt ngay câu hỏi “chặt ra kiểu như lát sắn khô, hay là họ trộn vào sắn lát rồi xuất đi Trung Quốc???” Không ai tìm ra câu trả lời. Rồi tất cả đều tặc lưỡi, phế phẩm bỏ đi, giờ bán có tiền thì bán, vậy là nhà nhà, người người cất công đi chặt gốc sắn thành những lát, cho vào bao để bán.

Ông Nguyễn Văn Trúc, nông dân thôn Mỹ Bình nói, mình chả biết họ mua làm gì, chỉ nói là mua gốc 600 đ/kg, nhưng phải chặt ra như sắn lát vậy. Gốc sắn lâu nay bỏ, người ta mua thì mình bán, còn chuyện liệu họ có trộn vô sắn lát để xuất không là chuyện của họ, mình làm sao biết được, mà nói chung nông dân không quan tâm.

Từ khi tư thương mua gốc sắn xuất hiện cũng là lúc ở Sơn Thành hình thành những người chuyên mua gom gốc sắn trong dân. Họ lấy tiền từ người mua, sau đó đặt hàng cho nông dân rồi bán lại ăn chênh lệch. Rất nhiều “đại lý gốc sắn” mọc lên ven đường. Những đống gốc sắn đã “chế biến” sẵn chất cao ngất ngày ngày chờ xe tải bốc đi. Thế nhưng chỉ sau vài tháng “ăn hàng”, tư thương thu mua gốc sắn biến mất. Nhiều đại lý "dở khóc dở cười" vì sản phẩm không biết làm gì. Người nhiều thì tồn đến vài ba chục tấn, kẻ ít cũng đến năm ba tấn và ôm nợ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt là một trong những trường hợp như thế. Bà cho biết, bà bỏ tiền ra mua trong dân, mặc dù có lấy của tư thương một ít tiền cọc nhưng với 100 bao tải gốc sắn, bà cũng lỗ mất hơn 2 triệu, tiếc đứt ruột nhưng giờ chỉ biết bỏ đó, ai cần thì cho họ lấy về mà đun bếp thôi chứ gốc sắn thì biết làm gì?!

Mua hồ tiêu xanh và ướt bằng mọi giá

Sơn Thành từ lâu được biết đến là nơi sản xuất hồ tiêu có chất lượng tốt nhất Việt Nam tính cho đến thời điểm hiện nay. Do đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết và trình độ thâm canh của người dân quyết định đến sản phẩm hồ tiêu thương phẩm nơi đây. Cả vùng Sơn Thành có khoảng 300 ha tiêu, kết quả thu 80% diện tích niên vụ 2011 cho sản lượng khoảng trên 775tấn tiêu khô.

Thu hoạch hồ tiêu chín già, phơi khô để giữ uy tín thương hiệu

Những ngày qua giá tiêu liên tục tăng cao, từ 100.000-105.000 đ/kg và liên tục nhích lên, đến ngày 21/7 mới đây, giá tiêu khô tại vườn là 115.000 đ/kg. Tuy nhiên nhiều tư thương không màng đến việc tiêu khô hay mới vừa héo, tiêu đã già hay tiêu non, nếu người dân chấp nhận bán là họ sẵn sàng đặt tiền trước để mua cho bằng được. Nhiều người vì hám lợi chỉ phơi tiêu vừa héo đã cho vào bao tải để bán. Số khác vì quá nóng ruột lấy tiền đã thu tiêu ngay khi vẫn còn xanh.

Ông Cao Trọng Huyền, đội 4, Cty cổ phần Vinacafe Sơn Thành cho biết: Nhiều người cần tiền mà thấy tiêu có giá quá cũng thu non bán bừa. Nhiều người thì phơi vừa héo là bán. Lạ là người mua họ không chê nên bà con cứ thế mà bán thôi.

Để giữ được uy tín và chất lượng hồ tiêu Sơn Thành trên thị trường, Cty cổ phần Vinacafê Sơn Thành - nơi tập trung đa số lao động trồng tiêu đã vận động công nhân giữ vườn tiêu đến già, thu hoạch và bảo quản đúng quy trình kỹ thuật để tránh những tổn hại về sau, nhất là khi công ty này đang nổ lực để xây dựng thương hiệu hồ tiêu Sơn Thành.

Ông Dương Văn Thạnh, đội trưởng đội 3, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành cho biết, anh em lãnh đạo công ty đi đến từng hộ vận động bà con giữ vườn tiêu đến già hẵng thu hoạch để đảm bảo chất lượng, không vì cái lợi trước mắt mà làm mất đi chất lượng sản phẩm tiêu Sơn Thành. Hầu hết bà con đều nghe ra và nhiều người hiện phơi tiêu thật khô và giữ lại chờ giá.

Câu chuyện tư thương Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam ồ ạt mà không màng đến chất lượng hiện cũng đang diễn ra với cây chè ở phía Bắc nước ta. Câu chuyện thu hái tiêu non, phơi tiêu chưa khô đã vào bao để bán, hay chặt gốc sắn ra thành lát như lát sắn khô để bán đang cảnh báo những dấu hiệu không bình thường. Những dấu hiệu này rất có thể sẽ làm mất uy tín nhiều loại nông sản trong nước, tại Phú Yên là sản phẩm sắn lát và hồ tiêu Sơn Thành nếu không có những biện pháp sớm và hiệu quả./.