Nhằm thiết lập trật tự trên thị trường vàng trang sức, mới đây Bộ Khoa học - Công nghệ đã ban hành Thông tư 22 về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường (có hiệu lực từ ngày 1-6-2014). Với quy định vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo những quy định rất cụ thể...
“Tiền nào của nấy”
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM cho rằng, sở dĩ chất lượng vàng trang sức tại Việt Nam không đồng đều là do chưa có văn bản thống nhất về quản lý chất lượng vàng, nên mỗi DN áp dụng một kiểu. Một số DN làm ăn chụp giựt, khắc đại tuổi vàng hoặc khắc bừa một ký hiệu nào đó lên sản phẩm cho có, để khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ dễ bề né luật chứ không phản ánh đúng chất lượng của sản phẩm. “Đó cũng là lý do khi nói đến thị trường vàng trang sức Việt Nam, người ta luôn có định kiến: Người mua luôn bị thiệt còn người bán giàu lên từng ngày” - ông Dưng nhìn nhận.
Nói về Thông tư 22, ông Dưng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành quy định về hệ thống tiêu chuẩn đo lường và chất lượng vàng trang sức khi lưu thông trên thị trường tương đối đầy đủ. Những quy định này sẽ hướng thị trường đi vào quy củ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết rất kỳ vọng Thông tư 22 sẽ góp phần chấn chỉnh được sự bát nháo của thị trường. “Việc này không chỉ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng mà thương hiệu nữ trang Việt Nam sẽ không còn bị định kiến kém chất lượng khi vươn ra thị trường quốc tế” - bà Cúc bày tỏ.
Theo bà Cúc, hiện nay người tiêu dùng khi mua vàng trang sức có thể không biết được vàng mình mua có đúng tuổi hay không. Nhưng khi áp dụng quy định này, các DN buộc phải tuân thủ nghiêm việc niêm yết giá bán theo đúng chất lượng in trên sản phẩm hoặc nhãn mác. Như vậy, người tiêu dùng sẽ mua được sản phẩm đúng với giá trị sản phẩm mà họ bỏ tiền mua.
Nhiều DN cũng cho biết, quy định này không chỉ đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng mà chính bản thân DN cũng có lợi trong việc cạnh tranh. Để đón nhận các quy định mới này, những DN kinh doanh mặt hàng trang sức lớn cho biết, không phải chuẩn bị gì vì từ trước đến nay họ luôn đưa ra thị trường những sản phẩm trang sức đúng tuổi và bán giá theo đúng chất lượng vàng niêm yết trên sản phẩm. Chỉ có những DN làm ăn chụp giựt buộc phải bắt đầu chế tác những sản phẩm trang sức đúng chất lượng ngay từ bây giờ nếu không muốn bị “bắt giò” khi quy định này có hiệu lực.
Một số doanh nghiệp băn khoăn
Bên cạnh những mặt tích cực được đánh giá cao của Thông tư 22, không ít DN kinh doanh trang sức đã chỉ ra một số trở ngại khi quy định này đi vào thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, thông tư này quy định độ chính xác của tuổi vàng gần như tuyệt đối. Điều này đồng nghĩa với việc người thợ thủ công phải làm chính xác hơn, kéo theo đó giá thành sẽ bị đội lên, người tiêu dùng phải mua vàng trang sức giá cao. Ngoài ra, thông tư cũng quy định DN phải tự trang bị máy huỳnh quang tia X để giám định chất lượng vàng.
“Tuy nhiên, có một nghịch lý là ngay cả những máy giám định vàng với công nghệ phổ kế huỳnh quang tia X 2055 đang được các trung tâm kiểm định của nhà nước sử dụng (giá trên 20.000 USD/cái) hiện nay cũng chỉ thử được bề mặt của vàng 20K trở lên, còn loại vàng dưới 20K thì máy… chịu thua” - ông Dưng cho biết. Chính vì thế, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng nên lưu ý đến yếu tố này.
Cũng băn khoăn về cân giám định vàng, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, quy định DN phải trang bị loại cân 4 số lẻ (xác định trọng lượng vàng với khả năng đọc của máy đến 0.0001g) là chưa thật hợp lý. Bởi mức chênh lệch trung bình của 1 chỉ vàng trang sức hàm lượng 75% (vàng 18K, giá khoảng 2,4 triệu đồng), khi sử dụng cân 3 số lẻ (khả năng đọc của máy là 0.001g) và 4 số lẻ thì số tiền chênh lệch của 0.001g với 0.0001g vàng được quy ra khoảng 1.000 - 2.000 đồng. Trong khi đó, DN phải trang bị cân 4 số lẻ với giá đắt hơn gấp 10 lần với cân 3 số lẻ mà hiện nay đa số các DN đang sử dụng là chưa hợp lý.
“Đó là chưa kể nếu khoảng 12.000 DN kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam phải mua 12.000 cái cân thì chưa chắc đơn vị cung ứng cân đáp ứng đủ số lượng này. Hơn nữa, hơn 10.000 cân 3 số lẻ hiện các DN đang sử dụng phải bỏ đi cũng rất lãng phí” - bà Cúc nêu ý kiến.
Thêm một quan ngại được các DN kinh doanh vàng đưa ra đó là quy định về việc chứng minh nguyên liệu đầu vào. Theo nhiều DN, việc mua bán vàng trang sức hiện nay trên thị trường đều là “thuận mua vừa bán”. Một số sản phẩm trang sức có giấy tờ nhưng đa số là trôi nổi trên thị trường nên khó xác minh hay chứng minh nguồn gốc được.
Các tiêu chuẩn công bố của vàng trang sức được lưu thông quy định tại Thông tư 22 bao gồm: thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, các yêu cầu kỹ thuật, ký hiệu phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhãn vàng được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm, hoặc bằng phương pháp thích hợp, hoặc thể hiện trên tài liệu đính kèm sản phẩm.
Một điểm đáng lưu ý là thông tư cũng đã thống nhất về hàm lượng, độ tinh khiết của vàng để các cơ quan quản lý theo các tiêu chuẩn đó kiểm tra, xử phạt các DN sản xuất và bán những sản phẩm không đúng với những thông tin được in trên nhãn mác hay khắc trên sản phẩm.