Trên phố Bạch Đằng ở thị trấn Kẻ Sặt, một dãy nhà xây dựng trái phép để ở, kinh doanh, quán cafe… tồn tại thách thức các cơ quan chức năng. Các công trình xây dựng này được xây dựng trên đất công do UBND thị trấn Kẻ Sặt quản lý và nằm trên hành lang bảo vệ của công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Người dân ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng tình trạng lấn chiếm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn. Tuy nhiên, những công trình xây dựng trái phép vẫn liên tục mọc lên đầy “thách thức”.
Bà Dương Thị Thu Nga người dân ở thị trấn Kẻ Sặt nêu ý kiến: “Người dân tại khu vực thấy rất bất bình, khu vực đất lưu thông, công trình thủy lợi nhưng lại xây dựng được các công trình kiên cố, người dân nghi ngờ có những sự làm ngơ của các cấp chính quyền cho các công trình xây dựng trái phép tồn tại”.
Thời điểm phóng viên VOV.VN có mặt tại phố Bạch Đằng ở thị trấn Kẻ Sặt, hai căn nhà vẫn đang được thi công với ngổn ngang vật liệu xây dựng, cả khu vực hàng lang ven sông Bắc Hưng Hải đã trở thành một con phố với dãy nhà, cửa hàng cafe.
Ông Phạm Hồng Điệp, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết, khu vực phố Bạch Đằng ở thị trấn Kẻ Sặt là đất công do UBND thị trấn quản lý và là hành lang của công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Hiện trạng khu đất này có 15 hộ sử dụng và đa số đã xây dựng, chỉ còn 3 lô đất chưa xây dựng. Quá trình xử lý các công trình xây dựng trái phép ở đây mới cưỡng chế được một hộ.
“Người dân xây dựng lợi dụng vào những ngày nghỉ, không phải là nhà kiên cố, nhiều điểm có nhà sẵn chuyển xi măng vật liệu vào xây phía trong, công tác phát hiện của trưởng khu và địa chính chậm nên để xảy ra xây dựng trái phép” - ông Phạm Hồng Điệp nói.
Trách nhiệm để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên hành lang công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, ông Phạm Hồng Điệp thừa nhận, trước tiên thuộc UBND thị trấn Kẻ Sặt, khi phát hiện các công trình xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi là phải xác minh, lập biên bản xử lý hành chính, yêu cầu tháo dỡ. Tuy nhiên, ở đây cũng cần kết hợp của các đơn vị quản lý công trình thủy lợi và quản lý đường sông.
Trách nhiệm ngăn chặn và xử lý các công trình xây dựng trái phép, xử lý tháo dỡ khi có vi phạm xảy ra, tuy nhiên, các công trình xây dựng trái phép lấn chiếm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải vẫn tồn tại. Người dân có quyền nghi ngờ về việc có hay không việc “làm ngơ” của các cấp chính quyền để cho các công trình vi phạm trở thành “việc đã rồi”.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, ngoài các công trình nhà dân lấn chiếm hành lang, hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 54 bến bãi trên các tuyến sông Sặt, Đĩnh Đào, Cửu An, Tây Kẻ Sặt. Hầu hết các bến bãi này không hoặc chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian qua, phớt lờ các quy định của pháp luật về thủy lợi. Trong đó, các bến bãi không phép tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Bình Giang./.