Chung cư hình thành mặt bằng giá mới
Bộ Xây dựng cho biết, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ tại một số địa phương như Bình Phước, Hải Phòng, Đà Nẵng... đã được kiểm soát, sau khi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có các văn bản chỉ đạo kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn.
Bên cạnh giá đất nền “sốt” cục bộ được kiểm soát, Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá căn hộ chung cư vẫn tăng bất chấp dịch bệnh. Thống kê giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân trong quý 2 vừa qua tại Hà Nội và TP.HCM tăng khoảng 5-7% so với quý trước.
Tổng hợp số liệu từ các địa phương cho thấy, trong quý 2, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng... có 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân tăng 18% bằng so với quý trước và chỉ nhỉnh hơn khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, tại Hà Nội, dự án Sunshine Garden tăng khoảng 5,9%, Xuân Mai Complex tăng khoảng 4,5%, Hòa Bình Green City tăng khoảng 5,1%... Hay tại TP.HCM, dự án Cantavil An Phú - Cantavil Premier tăng khoảng 7,1%, Opal Riverside tăng khoảng 6,3%, Sunview Town tăng khoảng 5,5%...
Với các căn hộ bình dân có mức giá từ 25- 30 triệu đồng/m2, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có, căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm. Trong khi nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế thì nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều, dẫn đến giá bán phân khúc này tiếp tục tăng.
Sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp, chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong thời gian qua. Giá căn hộ chung cư trung cấp dao động khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, thị trường căn hộ cao cấp còn xuất hiện những dự án có mức giá bán cao ở các thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, các dự án có giá chào bán trên thị trường từ khoảng 110 triệu đồng đến 700 triệu đồng/m2.
Sau dịch, giá nhà đất cũng khó giảm
Đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VaRS) dịch Covid-19 các lần trước thời gian ngắn, sau giãn cách thị trường hồi phục khá nhanh. Đợt dịch lần thứ 4 này dịch kéo dài và trên diện rộng. Các hoạt động kinh tế phải dừng hết nên ảnh hưởng đến bất động sản nghiêm trọng.
Trong đợt dịch lần này gần như 100% các sàn giao dịch bất động sản đóng cửa, đặc biệt là TP.HCM trong những tháng qua phải đóng cửa không được hoạt động để phòng chống dịch. Sau đó, không chỉ có TP.HCM các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang… các sàn giao dịch bất động sản đều phải đóng cửa. Còn các tỉnh không bị dịch Covid-19 thì thị trường bất động sản yếu, quy mô nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu quý 3 năm nay khống chế được dịch bệnh thì đến quý 4 thị trường bất động sản có phục hồi dần dần, không nhiều khoảng 20 - 30%.
Dù dịch bệnh và không có giao dịch nhưng giá nhà, đất không giảm khi thị trường đang hình thành một mặt bằng giá mới với các dự án bất động sản đủ các cơ sở pháp lý. Giá tại một số dự án tăng lên 15-20% trong thời gian ngắn là cao, tuy nhiên khả năng tiêu thụ sản phẩm của các dự này không tốt.
“Nhà, đất có giảm giá sau đợt dịch không? Tôi cho rằng giá sẽ không giảm khi áp lực đầu vào của bất động sản đang tăng. Lạm phát ở nhiều mặt hàng, giá đất đền bù giải phóng mặt bằng cao khi giá đất ở các địa phương đang được điều chỉnh tăng 10-15%, vật liệu xây dựng tăng giá từ 40 - 50% nên giá nhà, đất chắc chắn không giảm” - ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Tuy nhiên, giá bất động sản tăng cao thì thị trường sẽ không hấp thụ khi nền kinh tế suy yếu khi bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Do đó, thị trường sẽ phải căn chỉnh phù hợp với lực cầu mặc dù cung trên thị trường bất động sản đang thiếu hụt, ông Nguyễn Văn Đính cho biết./.