Điều đáng nói là những tranh chấp này đa số chưa được giải quyết thỏa đáng, phần vì thiếu quy định, chế tài, phần vì chưa rõ cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Mỗi nơi một kiểu tranh chấp
Mới đây, người dân chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh) bất ngờ bị đơn vị trông giữ xe chặn lối xuống hầm với lý do chủ đầu tư không cho phép.
Bức xúc về vấn đề này, người dân đồng loạt căng băng rôn trên thân xe ô tô để phản đối chủ đầu tư là Công ty TNHH Vietnam Land SSG, đồng thời cho xe đậu nối đuôi nhau ngay lối ra vào hầm xe khiến khu vực này bị kẹt cứng.
Nguyên nhân của việc này là do chủ đầu tư ra thông báo tăng phí trông giữ xe năm 2020 – 2021 mà không được sự đồng ý của nhiều người dân, dẫn tới một số xe không được vào hầm gửi.
Bà Triệu Hồng Vân, người dân chung cư Saigon Pearl cho biết, trước đây khi ký hợp đồng nguyên tắc mua căn hộ, chủ đầu tư ghi tầng hầm giữ xe là sở hữu chung. Người mua nhà đóng tiền, sau đó căn hộ được hoàn thiện, bàn giao vào ở.
Tuy nhiên, đến giai đoạn đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán thì chủ đầu tư lại tự ý thay đổi nội dung là tầng hầm giữ xe thuộc sở hữu của chủ đầu tư, buộc người mua nhà nộp lại hợp đồng nguyên tắc cũ thì mới được làm sổ hồng.
Bà Vân bức xúc vì chủ đầu tư tăng giá tiền giữ xe nhiều lần mà không biết đâu mới là điểm dừng. Trước tháng 9/2020, mức giá đưa ra là 1,54 triệu đồng/xe/tháng. Đến tháng 9/2020, chủ đầu tư ra thông báo tăng mức giá lên 1,8 triệu đồng. Đỉnh điểm là trong giai đoạn dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, tháng 1/2021 chủ đầu tư tăng lên 2 triệu đồng.
Bà Vân cho rằng chủ đầu tư chèn ép cư dân, bởi chủ đầu tư không chứng minh được tầng hầm gửi xe thuộc quyền sở hữu của mình mà vẫn dựa vào đó tự kinh doanh.
Theo bà Vân: "Nguyện vọng là Quận phải xem xét ý kiến của cư dân, chứ quận không thể làm việc theo hợp đồng mua bán của chủ đầu tư lấy ra giải quyết. Vì hợp đồng mà cư dân mua đầu tiên cư dân còn giữ, còn dấu đỏ, làm sao chủ đầu tư chối bỏ được mà quận lại không xem cái đó. Cư dân đề nghị giải quyết rõ ràng và điều tra, việc này là lừa đảo chứ không phải chuyện tranh chấp nữa".
Cũng về việc mâu thuẫn, tranh chấp chỗ để xe ô tô, người dân tại chung cư The EverRich Infinity (phường 4, Quận 5) sau khi về ở thì chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt ra thông báo “mời” chủ xe đưa phương tiện ra khỏi hầm.
Năm 2017 khi chung cư được đưa vào sử dụng, mức phí cho một chỗ để xe ô tô là 2,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến năm 2019 thì chủ đầu tư lại ra thông báo bán một ô đậu xe với mức giá là 500 triệu đồng (chưa bao gồm 2% phí bảo trì và 10% thuế VAT). Người dân tại chung cư này cũng gặp phải tình trạng bị chặn không cho xe vào hầm, nhiều chủ phương tiện căng băng rôn lên thân xe ô tô và đậu xe kéo dài trong khuôn viên chung cư để phản đối.
Bà Hứa Ngọc Bích, người dân chung cư The EverRich Infinity bức xúc vì cách giải quyết của chủ đầu tư bày tỏ: "Bây giờ chúng tôi giống như bị gài vào thế, khi mua thì một công ty môi giới là Thiên Minh nói với cư dân là yên tâm ở đây sẽ có chỗ đậu xe. Khi chúng tôi hỏi lại Phát Đạt thì nói là công ty đó nói chứ Phát Đạt không nói vấn đề đó.
Người dân muốn có chỗ đậu xe thì thường mua nhà chung cư, người ta cứ đinh ninh vậy là mua. Nếu nói trước từ ban đầu thì chúng tôi sẽ cân nhắc là có nên mua ở đây hay không?".
Ai bảo vệ quyền lợi của cư dân?
Mặc dù số lượng chung cư ngày một nhiều, nhưng các quy định của pháp luật để quản lý, điều chỉnh về loại hình này còn chưa chi tiết, đầy đủ.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các văn bản quy định về cơ chế quản lý, vận hành nhà chung cư còn thiếu sót rất nhiều. Một số trường hợp xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp là vì trong hợp đồng mua bán nhà chung cư, chủ đầu tư không ghi rõ những phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng.
"Hiện chưa có những quy định về tranh chấp chung cư một cách cụ thể, Bộ Xây dựng đang làm còn xử lý những cái cũ không có văn bản quy phạm pháp luật nào khẳng định là phải thế này, phải thế kia, đây chính là cái khó" - GS. Đặng Hùng Võ cho biết.
Vậy khi có mâu thuẫn, tranh chấp, ai sẽ là người bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cư dân?
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home) cho rằng, khi xảy ra sự việc, cư dân tìm tới chính quyền địa phương thì đều được trả lời đây là vấn đề nội bộ của chung cư, chính quyền không giải quyết được.
Theo ông Thành, hiện nay có rất nhiều thông tư về quản lý nhà chung cư, tại sao không ra một quy chế mới hoàn chỉnh hơn. Một số nội dung quy định trong luật còn chưa cụ thể, rõ ràng cho thấy ngay chính người tham mưu về luật cũng còn đang “chơi chữ”.
Do đó, ông Thành nhận định để bảo vệ quyền lợi cư dân thì cần nhiều chủ thể cùng vào cuộc: "Ai bảo vệ cư dân? Nếu may mắn, một toà chung cư mà có chủ đầu tư chuẩn, có đơn vị quản lý chuẩn và chính quyền địa phương hiểu về luật, chỉ cần ba nhóm này thôi thì mọi việc đã tự khắc tốt hơn".
Để giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp về chỗ để xe trong chung cư, cơ quan soạn thảo luật cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện các quy định còn thiếu hoặc chưa rõ ràng. Trong đó, cần xây dựng quy định về việc yêu cầu chủ đầu tư công khai, minh bạch thông tin về diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng của nhà chung ngay từ giai đoạn quảng cáo, giới thiệu về dự án.
Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc giải quyết, xử lý các tranh chấp nhà chung cư./.