Hướng phát triển phía đông của thành phố Hà Nội
Cuối tháng 3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Câu chuyện khai thác khu vực sông Hồng được đưa ra bàn thảo cụ thể sau nhiều lần chỉ dừng lên kế hoạch.
Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho biết, trước đây, quan điểm của chúng ta xem trục sông Hồng là đường biên phát triển Hà Nội. Nhiều bệnh viện trong nội đô di dời ra khỏi thành phố chủ yếu về phía Nam, các trường đại học di dời về phía Tây, chưa có trường học đi qua sông Hồng về phía Đông.
Thời gian gần đây, những điểm sáng phía Đông xuất hiện ngày càng nhiều, vai trò của chính quyền quan trọng. Khu vực phía Đông tạo sức hút khi dự kiến quận Gia Lâm được thành lập vào năm 2023 rồi đến quận Đông Anh cùng với việc triển khai đô thị sông Hồng.
“Đô thị ven sông Hồng cần lấy trục kinh tế phát triển tạo sức mạnh thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển dịch vụ đi kèm chứ không phải nhà ở. Nếu nhà ở đi trước một bước, trục kinh tế đi chỗ khác thì những khu nhà đó lại thành những khu nhà ma” - kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng phân tích.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Nhâm, đại diện Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia cho rằng, việc lựa chọn dự án đầu tư xây dựng 2 bên bờ sông Hồng cần chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới, thay vì lựa chọn chức năng nhà ở thuần túy.
“Không gian chức năng đô thị 2 bên sông và cây cầu kết nối đều phải là những biểu tượng mới về kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Thiết kế đô thị phải để người dân tiếp cận dễ dàng với dòng sông. Mặt khác, đô thị hóa 2 bên sông Hồng cần phải tôn vinh các giá trị văn hóa; tạo dựng thêm giá trị văn hóa mới, hiện đại, thân thiện” - bà Phạm Thị Nhâm nói.
Đừng để quy hoạch trên giấy, thất thoát nguồn tài nguyên
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, so với phía Tây và phía Nam thì phía Bắc và phía Đông Hà Nội đang sở hữu những xung lực tăng trưởng mạnh với lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển nước sâu. Nếu quy hoạch sớm được hiện thực hóa thì phía Bắc và phía Đông sẽ các cực tăng trưởng mạnh, có tốc độ đô thị hóa lớn của Thủ đô. Tuy nhiên, đừng để quy hoạch chỉ trên giấy.
“Do tất cả mới chỉ dừng ở quy hoạch nên đã dẫn đến việc thất thoát tài nguyên đất như bãi Tứ Liên đã thành một khu vực phát triển tự phát, không có sự đồng bộ, bài bản trong quy hoạch chung của thành phố. Nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu” - ông Đỗ Viết Chiến nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, khi các đề án quy hoạch được nghiên cứu và công bố đều trở thành cái cớ để không ít người “vin” vào đó đẩy giá bất động sản.
“Thực tế ghi nhận thời gian qua, khi quy hoạch về đô thị ven sông Hồng và triển khai đường vành đai 4 được công bố, giá bất động sản đã bị đẩy cao một cách bất hợp lý. Tại các khu vực này, nhiều chỗ mới chỉ cỏ mọc um tùm, chưa hề được đầu tư bài bản hạ tầng nhưng giá đất cao ngang với các khu vực nội đô Hà Nội” - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Những khu vực quy hoạch giá đất bị đẩy lên cao khiến giá bất động sản vượt tầm với của đại bộ phận người dân, kế đó là các khó khăn trong quản lý, thực thi pháp luật khiến thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều bất ổn, quy hoạch và thực hiện quy hoạch phải được tính toán, triển khai đồng bộ ông Đính phân tích thêm.
Quy hoạch đô thị ven sông Hồng, cần tránh tình trạng tăng giá ảo, giá rất cao nhưng không tạo ra giá trị. Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông với thông tin công khai, minh bạch để hạn chế tiêu cực và sử dụng tốt "mỏ vàng" ven sông Hồng./.