Khi thủy triều xuống, nhiều khu vực bãi biển xã Hải Lý, Hải Đông... (huyện Hải Hậu) lại trở nên nhộn nhịp với cảnh đánh bắt vẹm xanh. |
Theo người dân nơi đây, vẹm xanh không phải lúc nào cũng có. Do vẹm xanh được sinh trưởng tự nhiên, cho nên một năm chỉ có khoảng 2-3 đợt. Mỗi đợt đánh bắt chỉ kéo dài 5 -7 ngày, tùy vào lượng đánh bắt của người dân. |
Vẹm xanh có đặc tính sống bám vào một vật cố định như: gạch, đá ở mực nước sâu 6m - 10m. Màu sắc nổi bật nên vẹm xanh rất dễ quan sát và đánh bắt. |
Khó khăn nhất của việc đánh bắt vẹm xanh là phải “thạo” được thủy triều lên – xuống của nước biển. Lúc nước ròng, lộ ra phần đá, gạch – nơi vẹm xanh bám vào, do đó việc đánh bắt dễ dàng nhất. |
Vẹm xanh dày đặc, bám chặt vào các khu vực đá, gạch tự nhiên. |
Việc thu hoạch vẹm xanh của người dân nơi đây tự do và linh động. Những vệt vẹm xanh to được người dân thu trước. |
Để có nhặt được những con vẹm xanh to, nhiều người đã chọn các điểm bãi đá xa bờ, nước ngập... |
Chị Huế (35 tuổi, xã Hải Lý) chia sẻ, thời gian đánh bắt vẹm xanh chỉ kéo dài từ 1-2 giờ đồng hồ mỗi ngày, đến khi thủy triều lên, nước ngập các tảng gạch đá, việc đánh bắt cũng khó và có thể nguy hiểm. |
Trong những ngày này, bình quân mỗi người cũng có thể nhặt được 20-30kg vẹm xanh sau khoảng 2 giờ đánh bắt. |
Vẹm xanh được thương lái thu mua luôn tại bãi với giá 40-50 nghìn đồng/kg. Trên thị trường hải sản, vẹm xanh được bán giá 90-100 nghìn đồng/kg. |
Nhiều món ăn ngon được chế biến từ loại hải sản độc đáo này như: vẹm xanh nướng mỡ hành, vẹm xanh hấp, vẹm xanh sốt kem hay sốt tỏi ớt... |
Trên thế giới, vẹm xanh phân bố ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương và được nuôi nhiều tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Ở nước, vẹm xanh là loại hải sản được đánh bắt nhiều ở biển miền Trung./. |