Để xây dựng được một thương hiệu đứng vững trên thị trường là điều vô cùng khó đối với các doanh nghiệp. Thế nhưng, khi đã khẳng định được tên tuổi thì doanh nghiệp lại vấp phải vấn nạn vi phạm bản quyền thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp đã từng lao đao, có doanh nghiệp phá sản bởi không thể chống đỡ nổi với hàng giả, hàng nhái thương hiệu tràn lan trên thị trường. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp Việt phải ở thế vừa sản xuất, phân phối, vừa chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ thương hiệu của mình với phương châm "Phải tự cứu mình và biết gõ cửa đúng chỗ".
Doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ thương hiệu của mình. (Ảnh minh họa: KT) |
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật và quản lý môi trường TPHCM chia sẻ câu chuyện 2 lần bà đã phải đi đòi lại thương hiệu của doanh nghiệp mình. Đầu tiên là chế phẩm sinh học của đơn vị bà bị làm giả, buộc bà phải ra Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đề nghị vào cuộc.
Tuy nhiên Cục cạnh tranh yêu cầu bà phải chứng minh liệu đó có đúng là sản phẩm của chính doanh nghiệp mình hay không. Bởi cơ sở làm giả đã sử dụng tất cả nhãn mác, bao bì, nội dung hướng dẫn y chang doanh nghiệp của bà, chỉ thay tên cơ sở, rồi tung ra thị trường.
Bà Lan phải lục tìm lại tất cả giấy tờ, từ các chứng nhận bản quyền thương hiệu sản phẩm đến các thiết kế bao bì, mẫu mã đã đăng ký. May mắn là bà đã đăng ký bản quyền tất cả, kể cả nội dung hướng dẫn về kỹ thuật trên bao bì. Vất vả mãi doanh nghiệp của bà mới lấy lại được thương hiệu của mình. Cơ sở làm hàng giả sau đó bị các cơ quan chức năng xử phạt.
Tiếp đến, doanh nghiệp của bà lại bị một cơ sở khác làm giả sản phẩm về xử lý nước. Không thể để mất thương hiệu, bà kiên trì gõ cửa, cầu cứu, thuyết phục các cơ quan chức năng, từ công an kinh tế đến quản lý thị trường rồi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương)....
Mất nhiều năm trời, bà phải mày mò đi tìm chứng cứ để tố cáo cơ sở làm hàng giả đến cơ quan chức năng. Nhờ sự kiên trì của bà mà mới đây công an kinh tế Gò Vấp- TPHCM đã ập vào bắt quả tang đơn vị làm giả nhãn mác này.
Từ kinh nghiệm của bản thân, bà Lan đúc rút về cuộc chiến bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình.
“Bản thân mình phải tự cứu mình và phải biết đâu là nơi xử lý nhanh nhất. Trước hết cần đăng ký độc quyền phần hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì, nhãn hiệu... với Cục Sở hữu trí tuệ. Còn làm việc với các đơn vị khác để quản lý hàng hóa cho tốt. Tôi mong mọi người chú ý đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hướng dẫn để cứu mình và bảo vệ thương hiệu của mình”, bà Lan nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu mỹ phẩm Anh Đào Sứ Tiên, bà Phạm Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty Mỹ Phẩm Anh Đào cho biết: Thương hiệu Mỹ phẩm Anh Đào Sứ Tiên đã được công ty gầy dựng với biết bao công sức. Thế nhưng khi vừa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và có chỗ đứng trên thương trường thì doanh nghiệp lại phải chống chọi với nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan. Doanh nghiệp có sản phẩm nào là thị trường có ngay sản phẩm đó với tên gọi na ná nhau.
Để bảo vệ thương hiệu của mình, bà Đào nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ và đăng ký bản quyền thương hiệu cho từng sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp làm tốt khâu quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm ở từng địa phương. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để được trợ giúp trong việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.
“Nếu muốn cơ quan nhà nước giúp mình thì phải tự lo cho mình trước. Chống hàng giả từ tem chống hàng giả, đầu tư máy móc sao cho người ta không làm giống như mình được. Vì những người làm hàng giả tinh vi lắm”, bà Đào cho hay.
Cùng với nỗ lực bảo vệ thương hiệu của chính doanh nghiệp thì rất cần một chế tài đủ mạnh đối với hành vi làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Phù Tường Nguyên Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sa Sâm Việt kiến nghị cần phải sửa đổi các quy định về xử phạt hành vi làm hàng giả hiện nay để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Không cần quy định hàng giả đó phải trị giá là bao nhiêu thì cơ quan chức năng mới vào mới cuộc mà cứ cơ sở nào làm hàng giả thì phải xử lý ngay.
“Mức xử phạt hiện rất nhẹ. Chúng ta không thể nói là bao nhiêu triệu mới xử lý mà cứ làm giả là xử lý. Có như vậy mới có thể đưa hàng hóa tốt đến tay người tiêu dùng. Tôi từng thấy người nông dân rất nghèo, trồng một vụ lúa nhưng lại trúng giống giả, phân bón giả, cuối cùng là mất mùa. Hậu quả để lại rất lớn”, ông Dũng nêu ý kiến.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, có thời điểm, hàng giả thương hiệu có uy tín tung ra chiếm lĩnh thị trường, khiến cho doanh nghiệp lao đao, phải kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, theo ông Đỗ Hữu Quang, Nguyên Phó Cục trưởng, Phụ trách khu vực phía Nam, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), để bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả nhất, trước hết doanh nghiệp cần phải thực hiện quyền tự bảo vệ bằng cách áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm.
Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng biện pháp này bằng nhiều cách, như: In tem chống giả, sử dụng bao bì được in theo công nghệ hiện đại hay sử dụng các biện pháp kĩ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm để bảo hộ, đưa các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ lên sản phẩm nhằm thông báo sản phẩm, dịch vụ đó là đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm.
Ông Quang cũng tư vấn, khi xảy ra trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nên đưa ra tòa án phân xử là tốt nhất.
“Việc bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình không chỉ bằng đăng ký bảo hộ, sử dụng các biện pháp công nghệ mà các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi. Doanh nghiệp cũng bảo vệ quyền lợi của mình thông qua con đường tố tụng, bởi đây là cách giải quyết triệt để nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất”, ông Quang chia sẻ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm đến 3/4, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về thương hiệu, cách thức xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững./.Hàng loạt thương hiệu thời trang dính nghi vấn “đội lốt hàng Việt“