Trước thềm Hội nghị APEC, tờ NSN Nikkei của Nhật Bản ngày 1/11 đăng bài “Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế của Việt Nam sau 30 năm đổi mới”, trong đó nêu bật những thành tựu của nền kinh tế và cho rằng Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới.

Bài báo nhận định môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện, ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại.

bao_nsn_dang_bai_ca_ngoi_thanh_tuu_doi_moi_cua_viet_nam_xasc.png
Báo NSN Nikkei ca ngợi thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới.
Việt Nam đã đạt những thành tựu rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, khẳng định nguyên tắc nền kinh tế có chế độ đa sở hữu, đa thành phần, nhiều hình thức phân phối.

Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều phát triển. Các chủ thể kinh tế đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế quốc dân, tự do kinh doanh và cạnh tranh theo quy định của pháp luật: Hệ thống doanh nghiệp nhà nước từng bước được cơ cấu lại, được cổ phần hóa theo Luật Doanh nghiệp và đang giảm mạnh về số lượng. Kinh tế tư nhân tăng nhanh; FDI được khuyến khích phát triển.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, bài báo cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO, 59 quốc gia đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương; hoàn tất đàm phán FTA với EU; đang tích cực đàm phán 3 FTA khác. Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng; chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày./.

APEC và dấu ấn Việt Nam

VOV.VN - Là diễn đàn kinh tế mở, nhiệm vụ của APEC là đảm bảo sự thông thương xuyên biên giới dễ dàng với mọi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đi lại của mọi người.