Chiều nay (9/9), tại Hà Nội, diễn ra hội thảo sở hữu trí tuệ và thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn nguồn gốc dành cho các nước thuộc ASEAN do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức.

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện nay, trên thế giới có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ với giá trị giao dịch thương mại hằng năm ước đạt 50 tỷ USD. Khu vực ASEAN có hơn 120 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ.

shtt1_lfat.jpg
Ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)
Tại Việt Nam mới có 38 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó chỉ có duy nhất nước mắm Phú Quốc được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường châu Âu.

Theo bà Francesca Toso, chuyên gia cấp cao của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ dẫn địa lý là bằng chứng để đảm bảo với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và còn là công cụ quảng bá, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm của địa phương. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm, gia tăng giá trị hàng hóa và nâng cao giá trị văn hóa của các vùng miền, đồng thời ngăn chặn hàng nhái, hàng giả trên thị trường.

Dịp này, các chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cũng giới thiệu đến cơ quan quản lý các địa phương, các hiệp hội, nhà sản xuất có sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và một số nước trong khu vực ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar hệ thống đăng ký tại châu Âu và khu vực ASEAN.

Hội thảo cũng là cơ hội để đại biểu các nước ASEAN được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia của châu Âu về thủ tục và kinh nghiệm đăng ký chỉ dẫn địa lý ở châu Âu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, xây dựng chiến lược thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm địa phương đang thực sự trở thành một trong những công cụ chiến lược trong việc nâng cao uy tín, vị thế và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như của các nền kinh tế của các quốc gia trên toàn thế giới./.