Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) nằm trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã nhiều năm múc khoáng sản dưới lòng đất đem đi bán mà thiếu những giấy phép hợp lệ. Câu chuyện khai thác “lậu” chỉ vở lỡ sau khi Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai phối hợp với Cục Thuế tỉnh lập đoàn kiểm tra, rà soát về việc chấp hành Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường cùng việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật trong quá trình khai thác quặng apatít của Công ty Apatit Việt Nam.

Khai thác “lậu” công khai trong thời gian dài...

Qua đợt kiểm tra đã phát hiện công ty khai thác tại một số khai trường không có giấy phép, không có quyết định cho thuê đất và không có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

khaithacimage%20copy.jpg
Một khai trường vẫn còn hoạt động

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Apatit với tổng số tiền là 1 tỉ 130 triệu đồng. Cụ thể có tới 4 khai trường, là số 11, 12, 13, 14 khai thác nhiều năm không giấy phép, còn khai trường số 17 khai thác sai lệch so với giấy phép của tỉnh Lào Cai cấp.

Nói về một trong những sai phạm liên quan đến Công ty, bà Nông Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai cho biết: “Có những cái khai trường này nằm trong dự án khác, cái này nằm đè lên cái kia, nên mới có hiện tượng như thế. Khi sở đi thanh tra mới phát hiện một loạt những sai phạm”.

Ngoài quyết định phạt hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu trên, tỉnh còn áp dụng hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc Công ty Apatit chấm dứt mọi hoạt động khai thác tại các khai trường 11, 14, 17, 31; thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai tại các khu vực đã khai thác và trả lại toàn bộ diện tích đất đai cho chính quyền địa phương quản lý.

Đại diện của Công ty Apatit cũng cho biết, mỗi khai trường đó đến nay chỉ khai thác được chừng 3 triệu tấn. Như vậy với 5 khai trường đã có khoảng 15 triệu tấn quặng bị khai thác “lậu”. Rất có thể con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. Nếu thử đem nhân với giá của một tấn quặng, trung bình cho các loại (quặng tuyển, quặng loại 1 và quặng loại 2) khoảng 800.000 đồng/tấn, thì có thể thấy số tiền từ việc khai thác quặng “lậu” cũng lên đến 12.000 tỷ đồng.

Tất cả những việc này đều thực hiện công khai, với thời gian dài quặng được đưa ra nước ngoài tiêu thụ mà không gặp phải rào cản nào.

Không phải cố tình mà do tồn tại của lịch sử?

Ông Phạm Cao Khiêm, Phó Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Bộ Công Thương, quặng apatit được thăm dò và xác định trữ lượng là 778 triệu tấn. Trữ lượng đã thăm dò và dự báo khoảng 2,45 tỉ tấn và từ năm 1955 đến nay, việc khai thác được giao cho Công ty  thực hiện.

Ông Phạm Cao Khiêm cũng thừa nhận: “Ngoài khai trường 12 còn có ví dụ như khai trường 14, khai trường 17, khai trường 11, cũng không có giấy phép khai thác. Trong quá trình sở kiểm tra thấy sai phạm yêu cầu dừng khai thác, nhưng bảo dừng thế thì cả công ty dừng lại không có nguyên liệu cung cấp cho nhà máy, nên dừng cũng chết”.

Tuy nhiên, ông Khiêm cũng giải trình những vi phạm của công ty trong nhiều năm qua là do lỗi của một quá trình lịch sử để lại nên không ai phải chịu trách nhiệm trong việc này: “Một số khai trường ấy, để hoàn thiện thủ tục, chúng tôi chưa kịp hoàn thiện giấy phép chứ không phải cố tình vì đây là một trong những tồn tại của lịch sử. Khi chuyển tiếp từ không luật đến có luật, phải có lộ trình kể cả về nhận thức”.

Ông Phạm Cao Khiêm còn đổ lỗi về phía thủ tục hành chính, khi năm 2006, công ty cũng định làm thủ tục xin cấp phép hoàn chỉnh, nhưng đã xin ý kiến và gửi hồ sơ cho Cục địa chất (Bộ TN&MT) từ thời điểm đó không nhận được ý kiến, nên công ty vẫn tiếp tục khai thác.

Và đến thời điểm này, ông Phạm Cao Khiêm cũng cho biết công ty đang được các cơ quan chức năng mà cụ thể là Sở TN&MT tỉnh Lào Cai hướng dẫn thủ tục tạm dừng khai thác, lập đề án đưa mỏ về trạng thái an toàn... khi nào cần sẽ đưa khai thác trở lại.

Thế nhưng, trong buổi làm việc với Sở TN&MT tỉnh Lào Cai, ông Phạm Trung Kiên, Phó giám đốc Sở ngỡ ngàng với thông tin: “Doanh nghiệp đang được Sở hướng dẫn thủ tục “tạm dừng khai thác mỏ, đưa mỏ về trạng thái an toàn”. Sau một hồi kiểm tra thông tin từ các phòng ban của sở, ông Phạm Trung Kiên khẳng định, Sở TN&MT Lào Cai không hướng dẫn và cũng không đưa ra khái niệm “tạm dừng khai thác mỏ đưa mỏ về trạng thái an toàn” đối với bất kỳ tổ chức nào, nhất lại là trường hợp của Công ty Apatit.

Đối với câu hỏi của về việc vì sao đến bây giờ những vi phạm của Công ty Apatit mới được lôi ra ánh sáng, ông Phạm Trung Kiên xin không bình luận vì chính ông cũng mới về công tác Sở TN&MT được một thời gian ngắn. Nhưng theo thông tin ông Kiên nắm bắt được, nhân việc tổng kiểm tra sử dụng đất của các doanh nghiệp, Sở TN&MT mới phát hiện ra những vi phạm của Công ty Apatit chứ từ trước đến nay, các cơ quan ban ngành của tỉnh vẫn tin một doanh nghiệp lớn của nhà nước như Công ty Apatit đang khai thác đúng trên đất của mình được giao.

Với những kiểu trốn tránh trách nhiệm trong cách trả lời từ phía Công ty Apatit đến cơ quan quản lý trực tiếp là Sở TN&MT tỉnh Lào Cai cũng đủ cho thấy lý do tồn tại việc khai thác “lậu” một cách thản nhiên quặng apatit của Công ty Apatit miệt mài ngần ấy năm trời. Câu chuyện này rồi cũng sẽ kết thúc mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm, thất thoát tài sản nhà nước nêu trên./.