Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, ngày 7/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng tối đa 200 ngày với mức thuế tương đối là 23.3% đối với phôi thép và 14.2% đối với thép dài.
Đáng chú ý là sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định trên, giá thép sản xuất trong nước cũng như thép nhập khẩu đều gia tăng. Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá phôi thép tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1/2016; Giá thép phế liệu cũng tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó. Thêm vào đó, tác động tâm lý của các nhà thương mại muốn tích trữ để đầu cơ đã dẫn đến việc giá thép trong nước tăng theo.
Trước tình hình này, trong một văn bản mới đây, Bộ Công Thương cũng đã thừa nhận có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định, và điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) nhận xét việc áp thuế tự vệ mặt hàng thép lúc này là không hợp lý. |
Nhưng ngược lại, đối chiếu với thực tế của Việt Nam hiện nay, khi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định áp thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng, nếu không cân nhắc kỹ càng thì sẽ gây thiệt hại đến người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra các hàng rào thuế phòng vệ thì phải ưu tiên đến thị trường, quan tâm đến thị trường nhiều hơn và đặc biệt phải tận dụng tối đa những lợi ích của hội nhập trong kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt đối với mặt mặt hàng thép và xăng dầu, khi giá các mặt hàng này trên thế giới giảm thì thị trường trong nước phải tận dụng, bởi giá thành sản xuất trong nước đang cao hơn giá thành của thị trường quốc tế. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi giá thành sản phẩm của thế giới đang giảm, cơ quan quản lý không nên xây dựng các hàng rào tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Gần đây khi Bộ Công Thương áp dụng mức thuế tương đối tự vệ đối với phôi thép và thép dài. Mặc dù ngày 23/3 quyết định mới có hiệu lực, nhưng ngay từ trước đó 1 tuần thị trường thép trong nước đã tăng giá mạnh, hiện tượng đầu cơ găm hàng đã xảy ra, dẫn đến người tiêu dùng thiệt hại, đẩy giá thành xây dựng tăng lên. Như vậy, chúng ta phải tính đến thiệt hại của nền kinh tế trong khi giá thép trên thế giới đang thấp hơn Việt Nam 10 - 15%”, Đại biểu Bảo bày tỏ.
Giá thép tăng nhanh - Bộ Công Thương nói gì?
Do đó, ý kiến của Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất, trước khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng hàng rào thuế tự vệ, thuế phòng vệ thương mại, nhất định phải quan tâm đến bài toán kinh tế vĩ mô, vừa tính đến hiệu quả của sản xuất trong nước vừa phải quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng và các thành phần kinh tế khác.
Cụ thể là, việc áp dụng biện pháp tự vệ luôn phải hướng tới mục đích cao nhất là lợi ích của người sử dụng, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng hàng rào kinh tế, tránh được tình trạng cứ mỗi khi áp dụng biện pháp tự vệ, thi trường lại lập tức bị biến động, vì vậy bài toán này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng./.