Sau Tết, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm cơ bản đã tổ chức triển khai sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao sau kỳ nghỉ Tết.
Đối với nông sản, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, xu hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ.
Nhưng, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực và địa phương giáp ranh không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh.
Do đó, trưa 17/2, UBND tỉnh Hải Dương có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT, các huyện thị xã, thành phố trên địa bàn triển khai các biện pháp vừa phòng dịch vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản sau Tết.
UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan cho phép phương tiện, tài xế chở hàng hóa từ Hải Dương được đi lại để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ, thông quan xuất khẩu.
Đồng thời, giao UBND huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng ban, xã đảm bảo tổ chức sản xuất nông nghiệp được diễn ra bình thường, kể cả khu vực có phong tỏa, các hộ gia đình có F2 bị cách ly nhưng phải hướng dẫn đảm bảo thực hiện 5K theo khuyến cáo ngành y tế.
Lãnh đạo UBND cấp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch của người dân trong quá trình tổ chức sản xuất.
UBND tỉnh Hải Dương giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất nông nghiệp trong tình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Các phương tiện vận tải nông sản phải cam kết theo mẫu hướng dẫn chuyển hàng hóa ra vào khu phong tỏa, cách ly của Sở GTVT. Giấy xác nhận phương tiện đã khử khuẩn, có ghi rõ thông tin tổ chức, cá nhân thực hiện trước khi đến các chốt kiểm soát.
Tài xế phải thực hiện khuyến cáo 5K của ngành y tế trong suốt quá trình vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa và không được dừng đỗ để tiếp xúc với người khác trong quá trình vận chuyển. Phải đeo khẩu trang và thực hiện đo thân nhiệt khi đi qua chốt kiểm dịch và cung cấp Giấy khai báo y tế theo mẫu của ngành y tế.
Trước đó, nhiều chủ cơ sở sơ chế, kinh doanh cà rốt tại huyện Cẩm Giàng chưa nắm được quy định mới về vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực phong tỏa, dẫn đến việc nhiều xe chở cà rốt bị tắc ở các chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Cũng trong ngày 17/2, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến (Hải Phòng) đã ra lời kêu gọi giải cứu bắp cải của nông dân do doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương không thể về thu mua bắp cải đã ký bao tiêu như trước đó bởi đang thực hiện giãn cách xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của ông, công chức, viên chức chính quyền xã Cấp Tiến cùng vào cuộc, vận dụng mạng xã hội, facebook, zalo và lội ruộng giải cứu bắp cải.
Xã Cấp Tiến báo cáo nhưng "kèm" cả kêu gọi cấp trên (Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng) và các doanh nghiệp địa bàn Hải Phòng mua bắp cải giúp dân; vận động tất cả xe ô tô tổ chức, cá nhân và xe 4 bánh các loại của người dân để "ship" hàng. Đích thân Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến đến lãnh đạo đoàn thể còn nhận "đặt hàng" qua điện thoại, tin nhắn, zalo, facebook...
Tới cuối chiều cùng ngày 17/2, cả cánh đồng bắp cải hàng ha của xã Cấp Tiếp đã tiêu thụ được 2/3. Theo ông Phạm Khắc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến, nếu theo đà này, dự kiến chưa hết ngày 18/2, toàn bộ bắp cải của nông dân xã sẽ được giải cứu./.