Đến nay, tỉnh Sơn La đã và đang hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản như: vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000 ha, tập trung tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 8.500 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Mai Sơn và Yên Châu; vùng nguyên liệu sắn khoảng 37.000 ha, chủ yếu các huyện: Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Phù Yên; vùng nguyên liệu chè khoảng 5.600 ha tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu...
Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, năm 2020, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có 2 nhà máy được khởi công và khánh thành, gồm nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của tập đoàn TH, công suất 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược mỗi ngày; Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.
Đây đều là các nhà máy có dây chuyền chế biến hiện đại, trong đó, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ nằm trong top đầu các nhà máy về công suất chế biến quả của cả nước.
Để sớm trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để có nhiều hơn các nhà máy chế biến nông sản tại địa phương.
“Nông sản của Sơn La tương đối lớn, hiện đã có hơn 80.000ha, đứng thứ 2 toàn quốc; sản lượng năm 2020 đạt hơn 400.000 tấn, năm nay có thể tăng hơn. Nếu không có các nhà máy để đón đầu tiêu thụ cho bà con thì rất có thể cứ phải giải cứu nông sản. Hiện, đã có 2 nhà máy TH và Đồng Dao thì yên tâm rồi. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ tiếp tục rà soát lại các nhà máy hiện có như mía đường Mai Sơn, tinh bột sắn, hoặc cà phê… để đánh giá thực trạng và đề nghị các doanh nghiệp nâng cấp lên, cộng với các nhà máy mới được khởi công xây dựng thì chắc chắn việc chế biến nông sản trong tương lai của Sơn la sẽ rất tốt”, ông Nguyễn Hữu Đông cho hay./.