Các qui định này vừa được Quốc hội chính thức thông qua tại Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, với tỷ lệ 92,57% đại biểu tán thành.
Theo Báo cáo giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội, về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 42),có ý kiến đề nghị giữ cơ chế ân hạn như quy định của Luật quản lý thuế hiện hành (275 ngày) đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Có ý kiến đề nghị phân loại doanh nghiệp để áp dụng ân hạn đối với những doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng: Việc sửa đổi, bổ sung Luật cần quán triệt nguyên tắc: Một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác, phải bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật tài chính, ngăn chặn các hành vi chây ỳ, trốn thuế, gây thất thu cho NSNN. Vì vậy, UBTVQH xin tiếp thu theo hướng giữ quy định hiện hành về ân hạn đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có phân loại doanh nghiệp để áp dụng ân hạn.
Cụ thể: Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; Thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp khác phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh. Nội dung này được thể hiện cụ thể tại khoản 3 Điều 42 của Dự thảo luật.
Về nguyên tắc quản lý thuế, có ý kiến đề nghị quy định tiêu chí áp dụng biện pháp ưu tiên đối với mọi loại hàng hóa; không quy định riêng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo UBTVQH, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cơ chế ưu tiên chủ yếu áp dụng trong khâu thông quan hàng hóa nên việc quy định tiêu chí áp dụng biện pháp ưu tiên là phù hợp. Tuy nhiên, đối với quản lý thuế nội địa, cơ chế ưu tiên được áp dụng trong nhiều khâu (hoàn thuế, kê khai thuế, quản lý nợ, thanh tra, kiểm tra,...) và điều kiện, trình tự, nội dung ưu tiên ở mỗi khâu là khác nhau. Vì vậy, việc quy định tiêu chí chung để áp dụng thống nhất đối với cả hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và hàng hóa nội địa là không phù hợp, khó khả thi và đề nghị cho giữ như quy định của Dự thảo luật.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, việc doanh nghiệp nợ thuế giá trị gia tăng không thể coi là hành vi chậm nộp tiền thuế mà nên đưa vào hành vi chiếm dụng tiền thuế để xử lý.
Theo ý kiến của UBTVQH, việc chậm nộp dẫn đến nợ thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan. Vì vậy, sẽ không thật hợp lý nếu coi mọi trường hợp nợ thuế là chiếm dụng tiền thuế. Đồng thời, theo quy định tại Điều 92 của Luật quản lý thuế hiện hành và Điều 106 của Dự thảo luật thì trường hợp người nộp thuế chậm nộp tiền thuế sau 90 ngày sẽ phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,07%/ngày và bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Vì vậy, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật./.