Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Ấn Độ có tiềm năng to lớn để phát triển nghề cá. Chính phủ Ấn Độ chủ trương đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thủy sản để khai thác lợi thế tự nhiên sẵn có, đặt mục tiêu phấn đấu trở thành 1 trong 5 nước dẫn đầu thế giới về thủy sản. Mặt khác, nước này cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phát triển sản xuất cá tra…
Ba năm gần đây, cá tra Việt Nam được tiêu thụ ngày càng nhiều tại Ấn Độ (Ảnh: Internet) |
Nhu cầu thủy sản của người dân nước này đang có xu hướng tăng do thu nhập theo đầu người cao hơn và do quá trình đô thị hóa với sự xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị. Nhu cầu tăng khiến nguồn lợi thủy sản của nước này bị khai thác quá mức. Sản lượng thủy sản của Ấn Độ tăng trưởng 7% trong năm tài khóa 2008 – 2009 nhưng năm 2012 -2013 giảm chỉ còn 3,5%.
Nhập khẩu philê cá đông lạnh của Ấn Độ năm 2012 đạt giá trị 10,503 triệu USD, trong đó nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, 7,69 triệu USD, chiếm 73% tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này và tăng gần 32% so với 5,833 triệu USD của năm 2011. Ấn Độ nhập khẩu chủ yếu cá tra từ Việt Nam và tăng trưởng nhập khẩu thủy sản Việt Nam của nước này trong những năm gần đây cũng chính do tăng khối lượng nhập khẩu mặt hàng cá tra.
Ba năm gần đây, cá tra Việt Nam được tiêu thụ ngày càng nhiều tại Ấn Độ và hiện là món ăn được ưa chuộng trong các nhà hàng ở nước này nhờ giá cả phải chăng và sẵn nguồn cung. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá tra sang Ấn Độ 8 tháng đầu năm nay đạt 7,67 triệu USD, tăng so với 5,903 triệu USD của cùng kỳ năm 2012.
Hiện trữ lượng cá biển của Ấn Độ giảm mạnh, ngư dân phải chuyển sang đánh bắt cá cỡ nhỏ hơn nên không đủ cá nguyên liệu đạt chất lượng để chế biến philê. Vì vậy, nhiều công ty chuyên cung cấp thủy sản cho phân khúc khách hàng cao cấp và các nhà hàng hạng sang phải nhập khẩu cá tra từ Việt Nam về chế biến đưa đến các khách sạn và nhà hàng trên toàn quốc.
Ấn Độ có tiềm năng phát triển nuôi cá da trơn nhưng hiện tại sản lượng nuôi loài cá này còn rất ít. Ấn Độ cũng đặt mục tiêu trở thành một trong các nước hàng đầu thế giới về nuôi thủy sản nước ngọt, thông qua việc đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi như tôm và tôm càng, cá rô phi, cá da trơn…/.