Sự việc nghi ngờ ăn chia giữa các thành viên trong liên danh BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ về mức thu phí, giám sát và hậu kiểm việc thu phí trong thời gian qua thu hút sự quan tâm của dư luận. Không tin vào sự trung thực trong con số công bố, câu hỏi đặt ra là ai sẽ giám sát việc thu phí để biết nhà đầu tư có trung thực trong thu phí hay không, qua đó xác định doanh thu phí của nhà đầu tư và tính toán lại thời hạn thu phí. Tính minh bạch trong thu phí hoàn vốn của các dự án BOT và trách nhiệm của đơn vị kiểm tra, giám sát của Bộ Giao thông Vận tải như thế nào?
Trạm thu phí BOT |
Thời gian qua, trong chính nội bộ liên danh BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có những “nghi ngờ” về tính chính xác, minh bạch trong việc thu phí và kiểm đếm phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1)thành viên trong liên danh BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã phải tự đặt máy quay để giám sát kiểm đếm.
Không những thế Cienco 1 còn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện công tác hậu kiểm, thanh tra việc thu phí. Tổng công ty Cienco1 đã nhiều lần yêu cầu liên danh chủ đầu tư cung cấp báo cáo tình hình thu phí với mức thu cụ thể từng ngày và đề nghị lập tổ kiểm tra độc lập.
Ông Đào Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Cienco 1 mong muốn sự rõ ràng, minh bạch quản lý thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ: “Tôi nghĩ việc này tốt cho cả liên danh, các thành viên liên danh nếu như việc kiểm tra, kiểm đếm đưa lại kết quả chính xác tất cả đều có lợi. Việc kiểm tra định kỳ thường xuyên đối với doanh nghiệp là bình thường hơn nữa Cienco 1 có rất nhiều dự án BOT và cũng với những thành viên liên danh thì việc minh bạch trong thu phí bình thường. Qua việc này có thể giúp cho các cổ đông tham gia quản lý một cách tốt hơn, hiệu quả hơn dự án này.”
Từ bất hòa trong nội bộ một liên doanh BOT nhưng đã đặt ra vấn đề về tính minh bạch của các dự án BOT giao thông trong quá trình thu phí hoàn vốn và liệu người dân có biết được quá trình thu phí, doanh thu thu phí của một dự án BOT? Đến nay, cả nước có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn và 51 trạm đã ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí sau khi hoàn thành dự án.
Vậy, tính minh bạch, việc giám sát kiểm đếm thu phí của các BOT này được cơ quan chức năng thực hiện ra sao? Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô thành phố Hà Nội cho rằng: Việc lục đục giữa các nhà đầu tư trong vấn đề kiểm soát tiền thu phí là thiếu công khai minh bạch để người dân biết được, nhà đầu tư là ai, tổng số tiền đầu tư, phí đường bộ thu được trong một ngày, thời hạn thu trong bao nhiêu năm. “Việc họ kiện cáo nhau là vấn đề nội bộ của họ, nhưng qua đó chứng tỏ việc xây dựng dự án thiếu khoa học, thiếu minh bạch và làm ào ào chứ không phải là có đề án, dự án chuẩn mực.”
Trước đây, những cuộc kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cho thấy nhiều vi phạm như hệ thống dữ liệu thu phí bị lỗi, cơ quan chức năng không thể hậu kiểm việc thu phí. Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều lái xe, qua nhiều trạm BOT, nhân viên chỉ thu tiền mà “quên” xé vé, chỉ đến khi lái xe đòi vé thì nhân viên mới đưa. Có những trường hợp một số trạm thu phí cơ quan chức năng bắt được vé thu phí giả… Vậy, để đảm bảo tính minh bạch trong việc thu phí hoàn vốn của các dự án BOT tránh thất thoát tiền phí là việc đáng được quan tâm.
Theo TS. Phạm Sanh – chuyên gia giao thông, từ trước đã có những nghi ngại về các dự án BOT “ăn hai đầu”, đó là nhà đầu tư nâng tổng mức đầu tư và thực hiện thu phí thì giảm bớt tiền thu phí, kéo dài năm thu phí. Như vậy, thay vì một con đường có thể chỉ thu phí trong 20 năm có thể thu phí 30 năm, thất thoát một số tiền lớn người dân vẫn phải è cổ đóng phí hàng ngày.
Qua việc liên danh BOT Pháp Vân nghi ngờ nhau bộc lộ một kẽ hở trong giám sát, quản lý thu vé của các dự án. TS. Phạm Sanh cho rằng, “chuyện giám sát của Bộ Giao thông Vận tải rất sơ sài, chuyện kiểm soát của Bộ Tài chính cũng vậy. Từ một chuyện của Cienco 1, chưa khẳng định là Cienco 1 đúng nhưng từ đây bộc lộ khía cạnh khác đó là sự giám sát, kiểm soát lượng xe quá yếu. Chuyện này vượt qua khỏi chuyện minh bạch mà là chuyện tiêu cực hoặc là chuyện thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội có thể truy tố được nếu có thật.”
Hiện tại người dân chỉ biết được là thời gian thu phí hoàn vốn (tạm tính) ban đầu của các dự án, mà không được biết tổng mức đầu tư chính thức của từng dự án, cũng như lộ trình tăng phí. Rõ ràng, đang có những sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý quá trình thu phí dự án BOT giao thông và thiếu minh bạch khiến cho người dân có quyền nghi ngờ về suất đầu tư các tuyến đường./.