Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu tại văn bản số 189 ngày 07/5/2014. Trong đó, việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sẽ theo hướng “Điều chỉnh cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu là Bộ Công Thương như đề nghị của Bộ Tài chính”.
Đã có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại có thể sẽ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” nếu không được giám sát và kiểm soát chặt chẽ hoạt động này.
Sẽ hết “đổ lỗi cho nhau”?
Theo Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng - Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), không thể để cho Bộ Tài chính quản lý giá trong khi quản lý kinh doanh xăng dầu lại là Bộ Công Thương. Bởi vì giá không thể tách khỏi hoạt động kinh doanh. Giá không thể tách khỏi hoạt động quản lý thị trường nên vừa rồi toàn bộ hiệu quả của việc quản lý giá xăng dầu không tốt. Nó liên quan đến việc phân công trách nhiệm không rõ ràng khi Bộ Tài chính chỉ quản lý giá trong khi đó toàn bộ các phần việc khác liên quan đến thị trường xăng dầu là thuộc về Bộ Công Thương. Do đó, phải chuyển quyền quản lý giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý là hoàn toàn hợp lý.
Có ý kiến lo ngại có thể sẽ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu (Ảnh minh họa/KT) |
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc giao quyền cho Bộ Công Thương chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian tới chắc chắn sẽ có được ưu điểm lớn nhất, đó là việc quy về một mối - cho một cơ quan quản lý nhà nước duy nhất chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu vốn nhiều nhạy cảm - thay vì điều hành theo kiểu liên bộ như hiện nay. Nghĩa là, việc điều hành xăng dầu trong thời gian tới sẽ không còn chuyện “cùng chung trách nhiệm” dẫn đến “thoái thác” hoặc “đổ lỗi cho nhau”.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cũng cảnh báo: Bộ Công Thương vừa có Cục Quản lý cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, vừa quản lý giá, vừa lại trực tiếp là chủ sở hữu, vừa trực tiếp quản lý nhà nước... Vì vậy, phải quy định rõ: Ai giám sát Bộ Công Thương và quyền của người dân và người tiêu dùng như thế nào? Nếu không có sự giám sát, đây lại là một sự tập trung quyền lực vào một bộ hay một cá nhân... Khi đó, có thể Bộ sẽ rất công tâm, vừa khuyến khích cạnh tranh, vừa kiểm soát độc quyền, sẽ công khai minh bạch thì người dân được nhờ. Nhưng cũng có thể Bộ nắm toàn quyền và chịu trách nhiệm toàn quyền, sẽ lại tiếp tục đứng ra bảo vệ lực lượng độc quyền...”
Không phù hợp Luật Giá?
Rất nhiều quan điểm cũng cho rằng, từ thực tế khó khăn trong quản lý giá sữa của Bộ Công Thương hay quản lý giá thuốc của Bộ Y tế thời gian qua cho thấy đã đến lúc những bất cập trong việc quản lý giá cả các mặt hàng theo kiểu “liên bộ” cần phải được sửa đổi để quy về một mối thống nhất.
Tại Điều 8, Luật Giá (sửa đổi) hiện hành quy định: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Vì vậy, Chính phủ cũng cần thận trọng trong việc xây dựng Nghị định mới về quản lý xăng dầu theo hướng giao Bộ Công Thương điều hành giá bán lẻ xăng dầu, tránh việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị, cần thiết phải có những đánh giá cụ thể trong việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Thứ nhất, cơ quan quản lý giá là Bộ Tài chính mà bây giờ giá xăng dầu, trước hết là giá mà Bộ Tài chính lại không tham gia.
Trước khi giao cho Bộ Công Thương về một mối thì phải đánh giá trong thời gian qua việc điều hành giữa 2 Bộ có gì chưa được, sau đó mới quyết định phương án mới nên giao cho ai. Trong khi đó, Luật Giá giao cho Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ trong việc điều hành giá cũng như quản lý giá.
Cũng có ý kiến cho rằng, trước khi giao việc điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công Thương, Chính phủ nên đồng thời thực hiện hai việc: Một là, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu các doanh nghiệp - hiện là các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang sản xuất và cung ứng tới 30% lượng xăng, dầu cho đất nước.
Hai là, điều chuyển Cục quản lý giá thuộc Bộ Tài chính về Bộ Công Thương để thống nhất quản lý đối với tất cả các mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý giá đang tồn tại bất cập như hiện nay. Bởi, việc chuyển chức năng quản lý giá từ bộ này sang bộ khác về cơ bản sẽ không thay đổi quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Vấn đề cốt lõi cần giải quyết là làm sao để công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ các hành vi độc quyền, đảm bảo lợi ích tổng hòa của cả Nhà nước, thị trường và người dân.