Nhiều cơ hội gián tiếp đến từ hội nhập. Đó là thông điệp được đưa ra trong Hội thảo: Ngành phân phối - thương mại điện tử - logistics Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 25/11 tại Hà Nội.

Hiệp định CPTPP trong đó Việt Nam là thành viên đã có hiệu lực từ ngày 14/1 năm nay. Theo đánh giá của VCCI, đối với ngành phân phối, thương mại điện tử và logistics thì tác động trực tiếp của CPTPP về mở cửa thị trường là không đáng kể so với cam kết mở cửa trong Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO.

tmdt_vbwh.jpg
Tác động gián tiếp từ CPTPP có rất nhiều và tác động chung cho tất cả các ngành.

Do đó, với CPTPP, tác động chính sách là không đáng kể, mà chỉ tạo ra sự ổn định hơn và có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, tác động gián tiếp từ thực thi CPTPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc VCCI nhìn nhận, tác động gián tiếp từ CPTPP có rất nhiều và tác động chung cho tất cả các ngành, trong đó có ngành phân phối, ngành logistics và thương mại điện tử.

“Môi trường đầu tư sẽ minh bạch thuận lợi an toàn hơn với những cam kết về thể chế trong CPTPP giúp thị trường trở nên hấp dẫn hơn”, bà Trang nói.

Điểm đáng chú ý, nhóm cam kết trong CPTPP sẽ giúp 3 phân ngành phân phối, thương mại điện tử và logistics phát triển. Đơn cử như cam kết về loại bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ tạo điều kiện gia tăng nguồn cung hàng hóa cho phân phối, thương mại và tăng cầu cho dịch vụ logistics.

Cam kết về hải quan sẽ tạo thuận lợi thương mại, các biện pháp phi thuế tạo cơ hội giảm chi phí kinh doanh. Còn cam kết về mở cửa thị trường các dịch vụ phục vụ sản xuất (như tài chính, viễn thông...) tạo cơ hội giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp./.