Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông nghèo khó ở huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định, thuở nhỏ ông Đào đã rong ruổi theo cha mẹ men đường dốc, đầy đá sỏi lên nương rẫy. Đến lúc trưởng thành, ông quyết định khởi nghiệp với vài triệu đồng vay mượn được rồi tìm lên núi kiếm đất trồng rừng.

nuoi_huou_ecjl.jpg
Đàn hươu sao trong chuồng của gia đình ông Đào

Lấy ngắn nuôi dài, may mắn việc trồng rừng hiệu quả nên đến năm 2000 ông Đào bắt tay vào trồng 7 ha rừng. Biết cây keo lai sẽ trở thành thế mạnh, những năm sau đó, gia đình ông liên tục mua thêm hoặc thuê dài hạn đất mở rộng diện tích để trồng loại cây này.

Vài năm trở lại đây, khi cây keo lai có giá, người dân có rẫy ồ ạt trồng, ông Đào quyết định thành lập vườn ươm cây giống với quy mô lớn. Hiện tại, lão nông này đang sở hữu 50 ha rừng trồng và 2 vườn ươm giống cây để cung cấp thường xuyên cho khách hàng tại Bình Định và nhiều tỉnh thành lân cận.

"Để làm giàu từ trồng rừng với diện tích lớn thì người trồng cần có 'máu liều'. Trồng rừng chỉ vất vả thời gian đầu, trung bình vườn keo 5-6 năm là cho thu hoạch, gặp vùng đất tốt thì chỉ 4-5 năm. Tuy nhiên, làm giàu từ mô hình này cũng rủi ro rất cao, có thể gặp thua lỗ do thiên tai hạn hán, cháy rừng", ông Đào chia sẻ và cho biết hiện nay, bình quân mỗi năm vườm ươm của gia đình ông bán ra thị trường khoảng 3 triệu cây keo giống, thu về khoảng 600 triệu đồng. Rừng trồng keo của ông với diện tích trên 50 ha, trong vòng 5 năm thu về 2,5-3 tỷ đồng. Hiện tại, ông mới chỉ thu hoạch một nửa diện tích, sắp tới sẽ bán hết để tiếp tục trồng lứa mới. 

Đến giờ ăn, đàn hươu, nai quây quần bên ông Đào

Không chỉ làm "vua rừng", ông Đào còn rất hứng thú với mô hình chăn nuôi thú rừng. Hiện gia đình ông đang nuôi 9 con nai và 10 con hươu để lấy nhung. Bình quân mỗi năm, một con nai đực có thể lấy được khoảng 3 kg nhung (lấy 2 đợt mỗi năm), một hươu đực mỗi năm lấy được khoảng  một kg nhung. Với giá nhung hươu khoảng 15 triệu đồng một kg, nhung nai khoảng 10 triệu đồng, gia đình ông Đào thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Đào kể: “Với thú vui, đam mê chăn nuôi, sau khi tìm hiểu bí quyết nuôi hươu, nai trên sách báo và học hỏi thực tế từ các trang trại, tôi đã bỏ tiền để mua 2 cặp hươu, nai giống về nuôi. Việc chăn nuôi không khó như mọi người nghĩ, thậm chí còn dễ nuôi, vốn đầu tư và công sức bỏ ra ít nhưng thu nhập cao”.

Thức ăn cho hươu, nai là cỏ và các loại lá cây như: lá sung, lá mít... và tận dụng các loại trái cây. Điều chú tâm khi nuôi vật nuôi này là con đực trong mùa động đực thường rất hung hăng, chúng có thể húc nhau làm gãy sừng, hư hỏng chuồng trại và húc cả người.

Mỗi năm, hươu, nai đực cho lấy nhung 2 lần, để cắt nhung phải dùng cưa được sát trùng. Tuy nhiên, khi cưa con đực sẽ rất đau, vì vậy, phải biết cách giữ chúng thật chặt để việc cưa nhung diễn ra thuận lợi và đảm bảo sức khỏe cho nai.

“Việc lấy nhung rất ít ra máu nhưng sau khi hoàn thành, cần băng bó vết thương bằng lá tàu bay (tên loài rau ở địa phương, mọc rất nhiều ở đồng ruộng có chức năng sát trùng, cầm máu). Chừng vài giờ đồng hồ sẽ cầm máu và 3 ngày sau vết thương sẽ lành lặn”, ông Đào cho hay./.