Khởi đầu với... 1 triệu đồng tích cóp chỉ đủ mua 2 con heo rừng lai và làm chuồng, nhưng dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Quốc Thịnh giờ đã sở hữu một trang trại bề thế, đem lại nguồn thu nhập khá.
Anh Thịnh tạo dựng trang trại từ 2 con heo rừng |
Anh Thịnh (31 tuổi, ở xã Diên Xuân, H.Diên Khánh, Khánh Hòa) kể: “Năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương, mình luôn trăn trở phải làm gì để phát triển kinh tế. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vốn liếng ít ỏi, cha mẹ chỉ có thể nhường lại lô đất vườn đồi để mình canh tác. Trong lúc nhiều bạn bè có thể đầu tư làm ăn lớn, mình suy nghĩ và biết rằng với những gì mình đang có thì gây dựng một trang trại là phù hợp nhất”.
Sau khi tìm hiểu những thông tin về kinh tế trang trại trên mạng internet và mua sách về đọc, anh Thịnh bắt đầu thực hiện những điều đã ấp ủ. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là vốn. Số tiền anh tích cóp được bấy lâu chỉ vỏn vẹn... 1 triệu đồng. “Mình có vốn ít thì đầu tư ít, phải kiên nhẫn thôi. Qua tìm hiểu, mình thấy heo rừng lai có sức đề kháng cao, dễ nuôi và hiệu quả kinh tế cao nên quyết định sẽ bắt đầu từ con này”, anh Thịnh kể.
Trong 1 triệu đồng, anh dành 400.000 đồng để làm một chuồng nhỏ bằng ván gỗ nuôi heo, cùng một “sân chơi” rộng khoảng 500 m2 với hàng rào thép bao quanh để đáp ứng đặc tính “chạy rông” của heo rừng. Số tiền còn lại anh lên huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) mua được cặp heo rừng lai của một gia đình người dân tộc Raglai. Anh tận dụng chuối cây, rau khoai có sẵn trong vườn nhà làm thức ăn cho heo. “Thời gian đầu trang trại chỉ có mỗi 2 chú heo, trông cũng lèo tèo. Nhưng mình không nản, quyết tâm nuôi heo sinh sản, rồi dần dần gây dựng thành đàn. Không lâu sau, mình phát triển đàn heo, trung bình mỗi năm xuất bán được 40 con heo rừng lai, cho thu nhập khá”, anh Thịnh nói.
Từ năm 2010, khi đàn heo được duy trì ổn định, có thêm vốn, anh Thịnh nghĩ đến việc phát triển trang trại theo mô hình “vườn - ao - chuồng”. Anh đào ao nuôi cá rô phi, trê lai, ba sa trong vườn nhà, tận dụng thức ăn thừa và phân heo làm thức ăn cho cá. Có ao, chủ động được nguồn nước tưới nên anh cải tạo đất, mua các giống cây ăn quả về trồng.
“Trước đây, vùng đất đồi khá khô cằn nên chỉ chủ yếu trồng mía, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi nguồn nước được đảm bảo, mình trồng 110 cây xoài, 80 cây mít nghệ, 50 cây bưởi, 100 cây dừa xiêm. Cây cối phát triển xanh tốt, mùa nào cũng có nguồn thu từ vườn trái cây. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài và không cho đất nghỉ, trên diện tích trồng cây ăn quả, mình còn trồng xen canh bắp, đậu, bí... để tăng thêm thu nhập cho gia đình”, anh Thịnh cho biết.
Hiện nay, với trang trại của mình, mỗi năm anh Thịnh thu nhập hơn 200 triệu đồng. Khi được hỏi: “Tại sao nuôi heo rừng lai có hiệu quả kinh tế cao, nhưng anh không tập trung phát triển riêng loại này?”, anh Thịnh chia sẻ: “Nếu chỉ tập trung chăn nuôi một loài, mình sẽ bị động về đầu ra. Chưa kể, làm nông nghiệp có những rủi ro như dịch bệnh hay thời tiết khắc nghiệt. Mình nghĩ với những người có vốn khiêm tốn, mô hình kinh tế trang trại với sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi sẽ yên tâm hơn, vì nếu không may sự cố có xảy ra với cây, con này thì vẫn còn những nguồn thu từ những cây, con khác, giúp kinh tế ổn định hơn”.
Anh Thịnh cho biết đang dự định mở rộng trang trại, nuôi thêm một số loài như chim bồ câu, gà... và trồng thêm nhiều loại cây ăn quả./.
Nuôi heo rừng thu nhập 50 triệu đồng/tháng
Từ niềm đam mê nuôi heo rừng, tốt nghiệp đại học, anh Dinh về quê nuôi heo rừng và hiện nay anh bỏ túi 50 triệu đồng mỗi tháng.