Những người dân ở xã Tân Bình, huyện Đak Đoa (Gia Lai) vẫn thường gọi ông Nguyễn Trình với cái tên thân thuộc là Tám Trình. Vùng đất đỏ bazan màu mỡ vốn thích hợp với rất nhiều loại cây trồng có giá trị. Hiểu được điều này, ông Trình cần mẫn, chăm chỉ làm lụng, gầy dựng những vườn tiêu, cà phê, cao su, bơ… đem lại thu nhập cao.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Tám Trình khi ông vừa mới dỡ xong 4 ha khoai lang quý mang tên Lệ Cần. Tất cả đều được thương lái chuyển đi bán khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Theo lời kể của ông Trình, giống khoai lang này được những người dân đi kinh tế mới đem từ Quảng Nam lên vào khoảng năm 1957.
Củ khoai lang Lệ Cần khi luộc chín có mùi thơm đặc trưng, rất ngọt và bùi. (Ảnh: KLLC) |
Điều kỳ lạ hơn nữa là cũng giống khoai ấy, chỉ cần trồng cách vùng đất Lệ Cần khoảng 3-4 km là đã cho chất lượng không ngon bằng.
“Cách đây gần 8 năm, khi Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh thực hiện đề án “Phục tráng giống khoai Lệ Cần ở huyện Đak Đoa” có tiến hành kiểm tra mẫu đất thì thấy hàm lượng mangan ở đây cao hơn hẳn so với các nơi khác. Có lẽ vì vậy mà trồng khoai trên đất này cho chất lượng vượt trội so với vùng khác”, ông Trình giải thích thêm.
Từ trước tới nay, ông Trình chưa bỏ qua một mùa khoai Lệ Cần nào dù giá cả có lúc bấp bênh. Ông trồng khoai không chỉ vì lợi nhuận mà vì muốn gìn giữ giống khoai đặc sản nổi tiếng của địa phương.
“Thật ra trồng khoai Lệ Cần rất dễ. Loại khoai này ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, lại cho năng suất cao. Những năm trước, giá bán còn thấp. Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi thấy trồng khoai đem lại lợi nhuận cao hơn so với trồng cà phê. Chi phí đầu tư khoảng 25-30 triệu đồng/ha, chỉ khoảng 3,5 tháng sau đã thu về lợi nhuận 80-90 triệu đồng/ha”, ông Trình cho biết.
Điều khiến ông Trình tự hào chính là việc góp phần giúp thương hiệu khoai lang Lệ Cần ngày càng được nhiều người biết tới. Trong đêm Gala nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh vừa qua, khoai lang Lệ Cần của ông Trình vinh dự góp tên trong thực đơn cùng các món ẩm thực độc đáo của tỉnh nhà như gà nướng, cơm lam, heo sọc dưa… và được mọi người yêu thích./.
Nông dân Gia Lai thu lợi nhuận 200 triệu đồng/ha dưa hấu