Trước việc lượng ếch tươi sống không tìm được đầu ra, chàng nông dân Nguyễn Văn Nữa ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp đã nảy ra ý tưởng sản xuất chà bông (ruốc) và sấy khô.

ruocech_jkhx.jpg
Sản phẩm ếch chế biến của chàng nông dân Nguyễn Văn Nữa.
Từng sở hữu trang trại nuôi ếch rộng hơn 5.000 m2 nhưng đến đầu năm 2015, mô hình này của Nữa bắt đầu thua lỗ do thị trường tiêu thụ biến động mạnh, giá cả bấp bênh. Để giải quyết lượng hàng không tìm được đầu ra, anh nghĩ đến việc chế biến chà bông và sấy khô như các loại thịt khác. 

“Tôi nghĩ đơn giản là thịt heo, thịt bò có thể làm chà bông thì chắc chắn ếch cũng tương tự. Ban đầu, mọi công đoạn chế biến hoàn toàn thủ công nên thành phẩm rất ít, chỉ đủ ăn trong gia đình và một ít tặng bạn bè”, anh Nữa chia sẻ về ý tưởng của mình. Sau khi nhận được phản hồi tích cực và động viên từ mọi người, anh quyết định đầu tư vốn để chuyển sang sản xuất tự động.

Từ suy nghĩ đó, những mẻ chà bông ếch đầu tiên ra đời theo quy trình và thiết bị sản xuất chà bông heo nhưng hương vị không như mong muốn, phải đổ bỏ hàng loạt. Không nản chí sau nhiều lần thất bại, Nữa tiếp tục mày mò công thức chế biến và nhờ đến sự hỗ trợ của giảng viên ngành công nghiệp thực phẩm tại Đại học Cần Thơ để hoàn thiện quy trình riêng cho sản phẩm của mình.

Để thu thập đánh giá của nhiều đối tượng khách hàng, chàng nông dân quê Đồng Tháp vượt hàng trăm cây số lên TP HCM tham gia các hội chợ nông nghiệp và chào hàng vào quán nhậu, nhà hàng. 

Anh Nữa cho biết, chính anh cũng nghi ngờ về khả năng tiêu thụ mặt hàng này nên chỉ sản xuất cầm chừng vài kg/tuần, nhưng sau đó lại bất ngờ vì được đón nhận nồng nhiệt. Nhận thấy tiềm năng phát triển của hai món đặc sản này nên anh quyết định đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng dây chuyền sản xuất, chiếu xạ và đóng gói. Đối với sản phẩm ếch sấy khô, cứ 8 - 10 kg thịt tươi nguyên con sẽ cho ra một kg ruốc khô. Riêng sản xuất chà bông ếch thì chỉ sử dụng phần thịt đùi, trung bình 4 kg tạo thành 1 kg chà bông.

Sau gần 1 năm vừa thử nghiệm, vừa tìm hiểu thị trường thì đầu năm nay, sản phẩm của chàng nông dân này chính thức tung ra thị trường với thương hiệu “Chà bông ếch Bảy Nữa” được đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. 

Trung bình mỗi tuần cơ sở của anh sản xuất được hơn 60 kg thành phẩm, cung cấp chủ yếu cho người quen, quán nhậu với giá từ 600.000 - 700.000 đồng một kg. Hiện một số cửa hàng kinh doanh đặc sản tại TP HCM, Hà Nội… liên hệ đặt hàng số lượng lớn nhưng anh phải từ chối do không đủ hàng. 

Theo tính toán của anh Nữa, hiện ếch tươi dao động khoảng 25.000 đồng/kg. Với quy mô hiện tại, mỗi tháng cơ sở thu về xấp xỉ 120 triệu đồng và có thể lãi phân nửa sau khi trừ tất cả chi phí.

“Tuy tình hình kinh doanh khả quan nhưng tôi vẫn đang loay hoay bởi nhiều khó khăn. Yếu tố đầu tiên và kéo dài đến hiện tại là việc thay đổi từ một nông dân chỉ am hiểu kỹ thuật chăn nuôi sang làm thực phẩm sạch nên tôi còn nhiều thứ ngỡ ngàng, không chuyên nghiệp được”, anh Nữa chia sẻ, đồng thời cũng thừa nhận dù sản phẩm của mình đang hút khách và được nhiều khen ngợi về chất lượng, nhưng bao bì và thời hạn bảo quản là hai vấn đề thường xuyên bị than phiền.  

Chia sẻ về dự định phát triển trong thời gian tới, anh Nữa cho biết trước mắt sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất, tiếp đến tập trung vào xây dựng thương hiệu và tiếp cận những hệ thống siêu thị, nhà hàng lớn tại TP HCM. Bên cạnh đó, anh đang tìm hiểu cách chế biến thực phẩm dạng viên từ thịt ếch xay nhuyễn, nhằm tận dụng tối đa các bộ phận của ếch./.