Khởi nghiệp đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường Việt Nam cùng với sự tham gia nhiệt huyết của thế hệ trẻ. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều chương trình khởi nghiệp đã "chết yểu" sau một thời gian hoạt động do thiếu vốn; thiếu kinh nghiệm quản trị… Để khởi nghiệp có những bước đi vững chắc, đã tới lúc cần sự tham gia và hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn.

vov_khoi_nghiep_zawo.jpg
Để khởi nghiệp có những bước đi vững chắc đã tới lúc cần sự tham gia và hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có hơn 90 triệu dân nhưng mới có khoảng 3.000 đơn vị khởi nghiệp (startup) đang hoạt động. Phần lớn các startup này đang ở giai đoạn khởi đầu, còn hạn chế về năng lực đội ngũ, mô hình kinh doanh và thiết kế sản phẩm.

Để phát triển, nguồn vốn luôn là vấn đề quan trọng của doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư mạo hiểm ở nước ta là một khái niệm rất mới mẻ. Trong khi đó, thị trường vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong nước quy mô vốn cũng như sự liên kết, hợp tác trong khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Trong 3 năm trở lại đây, chỉ vài chục startup nhận được đầu tư từ các Quỹ đầu tư nước ngoài. Ông Đàm Quang Thắng, Giám đốc công ty Agricare Việt Nam cho rằng, vấn đề đầu tư khởi nghiệp còn chập chững, mới mẻ. Ở Việt Nam, hiện chưa có các tổ chức, liên kết trong việc khuyến khích đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nên việc đầu tư cho khởi nghiệp gặp rất nhiều rủi ro.

Khi đầu tư mà bắt doanh nghiệp làm bằng được trong thời gian ngắn sẽ giết doanh nghiệp khởi nghiệp. Hoặc khi đầu tư mạo hiểm cần xác định sẽ cần rất nhiều vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bùng nổ về hoạt động và cần kỹ năng để phân bổ vốn hợp lý, ông Thắng lưu ý.

Ở Việt Nam, hiện chưa có các tổ chức, liên kết trong đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp quốc gia, tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam mạnh, nhưng chất lượng dự án khởi nghiệp và khả năng hiện thực hóa dự án khởi nghiệp còn nhiều hạn chế.

Ông Lộc cho rằng, nguyên nhân là do các dự án khởi nghiệp thiếu tính thực tiễn, chưa được hỗ trợ của xã hội và cộng đồng, chưa có được hệ sinh thái khởi nghiệp tốt để có thể  nuôi dưỡng và thúc đẩy các dự án khởi nghiệp.

Hiện Việt Nam có khoảng 50 quỹ đầu tư với nhiều hình thức đầu tư cho khởi nghiệp, nhưng còn tản mạn và quy mô nhỏ.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, để có thể thực hiện hệ sinh thái cho khởi nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn có nguồn vốn lớn hãy dành ra những phần vốn đầu tư cho khởi nghiệp cũng như chia sẻ những kinh nghiệm quản trị phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thành công trong kinh doanh, hãy coi việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp như trách nhiệm xã hội của mình, đặt các doanh nghiệp lên trên vai chính là sứ mệnh của các doanh nghiệp đi trước trong nền kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia, vai trò của doanh nghiệp đi trước rất lớn. Do đó, cần phải khơi dậy những nguồn lực từ các doanh nghiệp, tập đoàn quay lại đầu tư vào khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết trên thị trường, không chỉ là liên kết của doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau mà nó còn là sự liên kết từ các cơ quan Chính phủ, trường đại học, nhà đầu tư…

Năm 2018 và các năm tiếp theo giải pháp từ phía cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy ba nhóm giải pháp trên, bên cạnh đó tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, tập trung phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đi vào chuyên sâu chứ không chỉ doanh nghiệp theo phong trào.

Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương cũng đã có nhiều cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các ý tưởng khởi nghiệp trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch, công nghệ thông tin... Vì vậy, rất cần các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đi trước dành một khoản để đầu tư cho khởi nghiệp.

Ông Từ Minh Hiếu, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện Bộ đang triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" với 3 nhóm giải pháp chính đó là:

Tăng cường đào tạo năng lực cho startup, cá nhân startup, chủ thể trong hệ sinh thái;

Tăng cường liên kết hợp tác giữa các tổ chức cá nhân trong hệ sinh thái;

Tạo lập hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi./.