Vài năm trở lại đây, tại tỉnh Bắc Kạn có không ít Hợp tác xã (HTX), tổ sản xuất thanh niên nổi lên những những điểm sáng về hiệu quả kinh tế, xã hội. Dù còn nhỏ nhưng các mô hình kinh tế thanh niên đã khẳng định ý chí, quyết tâm làm giàu của tuổi trẻ trên chính mảnh đất quê hương.

Nhận thấy lợi thế về đồi cỏ chăn nuôi đại gia súc và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng các loại rau quả đặc sản, năm 2016, anh Tống Xuân Hiếu, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới cùng 13 bạn trẻ đã chung tay lập nên "Hợp tác xã Thanh niên 26/3". Khởi nghiệp với chưa đầy 100 triệu đồng từ vốn góp của các thành viên, các thành viên "Hợp tác xã Thanh niên 26/3" đã mạnh dạn thuê đất, mua giống cỏ và đầu tư nuôi trâu bò thịt.

vov_kn3_zrlg.jpg
Các bạn trẻ đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các doanh nghiệp thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ sản xuất..

Lấy ngắn nuôi dài, "Hợp tác xã Thanh niên 26/3" còn nuôi ốc nhồi, trồng chè cành và một số loại rau quả đặc sản.... Dù gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm nhưng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt này đã mang lại hiệu quả bước đầu với doanh thu bình quân vài tỉ đồng mỗi năm.

“Khó khăn và trăn trở của những thanh niên khởi nghiệp đó là nguồn vốn. Thứ hai là xây dựng ý tưởng để sao đưa vào phải có hiệu quả, đó là hai yếu tố quan trọng nhất, sau đó đưa vào cần có sự quyết tâm của mỗi bạn thanh niên”, anh Hiếu cho biết.

Tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm nên khi Luật HTX năm 2012 đi vào cuộc sống, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 18 HTX Thanh niên, hơn 30 tổ Hợp tác Thanh niên cùng hàng trăm mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Một số đơn vị tiêu biểu như HTX Thanh niên 26/3, HTX Hương Rừng (huyện Na Rì), HTX thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới), HTX Thanh niên Nhung Lũy (huyện Ba Bể), HTX Hương Ngàn (huyện Bạch Thông)….

Các mô hình kinh tế này đều tận dụng được lợi thế địa hình, khí hậu để cung ứng dịch vụ nông nghiệp, các loại nông sản đặc sản địa phương. Một số mô hình còn mạnh dạn đầu tư cơ sở, máy móc nâng cao giá trị nông sản như chiết xuất các sản phẩm như tinh dầu sả, chanh, quýt hay chế biến, đóng gói thịt trâu khô, lạp sườn... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dù vậy, chị Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy, huyện Ba Bể cho rằng, quá trình khởi nghiệp của tuổi trẻ Bắc Kạn cũng còn nhiều khó khăn như thiếu vốn, sản phẩm làm ra chưa có sự đa dạng nên thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp.

“Sản phẩm của HTX khi tiêu thụ ngoài thị trường còn khó khăn do HTX đang sản xuất theo hướng sản xuất sạch, nên khâu bảo quản rất khó, trong khi thị trường cạnh tranh cần bảo quản để đưa đi xa. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin nông nghiệp cũng như khả năng kết nối thị trường của HTX còn tương đối yếu. Bắc Kạn lại là tỉnh tương đối xa các trung tâm thành phố lớn và điều kiện giao thông, canh tác còn khá khó khăn”, chị Nhung bày tỏ.

Mô hình chăn nuôi gia súc của HTX Thanh niên 26/3 là một trong những mô hình chăn nuôi trâu bò tập trung lớn đầu tiên tại Bắc Kạn.

Để hỗ trợ tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp ngay trên quê hương, Tỉnh đoàn Bắc Kạn cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và quan trọng nhất là hỗ trợ vốn sản xuất cho Đoàn viên thanh niên qua nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn.

Chị Nguyễn Thị Huế, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn cho biết, Tỉnh đoàn đã kết nối các bạn trẻ đang có mong muốn khởi nghiệp, sau đó kết nối họ với chuyên gia, nhà đầu tư tiềm năng để có thể hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp tốt nhất. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng có những hỗ trợ các cơ sở làm hồ sơ thành lập các tổ hợp tác hay HTX thanh niên.

“Diễn đàn kết nối thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp” do tỉnh đoàn Bắc Kạn quản lý trên mạng xã hội hiện thu hút hơn 16.000 thành viên. Dù các mô hình kinh tế thanh niên còn khá khiêm tốn nhưng với số thành viên đông đảo của diễn đàn đã thể hiện khao khát và ý chí làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp xây dựng quê hương của tuổi trẻ Bắc Kạn./.