Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát trong mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, ở Việt Nam cho thấy, có 76% người trưởng thành cho rằng doanh nhân là một nghề được xã hội tôn trọng, 74% số người trưởng thành có mong muốn trở thành doanh nhân, và cứ 1 trong 5 người trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người có kế hoạch sẽ khởi nghiệp trong 3 năm tới.

dntll_jpeg_osso.jpg
Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
Xét theo những chỉ số đó, Việt Nam là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Do đó, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp.

Theo định hướng chính sách đó, cần có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, khởi nghiệp đang trở thành một phong trào, một trào lưu của nền kinh tế Việt Nam. Nếu nói đến 8 từ của nền kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo chính là "Chính phủ kiến tạo và toàn dân khởi nghiệp".

“Vấn đề khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo đang trở thành một yêu cầu quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam, trước hết nhằm tới mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phải có tối thiểu 1 triệu doanh nghiệp, có nghĩa là trong 5 năm phải tăng gấp đôi số doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, trong 5 năm sẽ làm được việc bằng cả 30 năm đổi mới. Đó là một đột phá trong chính sách phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ./.