Sau một thời gian giãn cách xã hội, ở trong nhà quá lâu, ai cũng cuồng chân, mỏi gối, muốn lao ra đường như chưa hề được lao. Và gần như những ai luôn ý thức, và chấp hành tốt việc chống dịch đều kinh ngạc và cảm thấy rùng mình khi mà đúng đêm Trung thu, người dân đổ ra đường như chưa hề có dịch.
Trong thời gian giãn cách, phố phường im lìm, các cửa hàng cửa đóng then cài, nhà nhà đóng cửa im ỉm, đến hàng cây bên đường cũng thấy buồn bã. Ở trong nhà, với những ai làm việc online thì còn đắm chìm trong công việc còn những ai mà làm tự do thì thực sự là nỗi kinh hoàng. Không việc làm, không thu nhập, ngồi trong nhà như ngồi trên đống lửa. Bọn trẻ học online thì vật bên này, ngọ nguậy không yên, tiếng cô giáo gọi tiên liên tục. Chưa bao giờ cuộc sống lại rơi vào hỗn loạn như lúc này.
Và rồi, hết giãn cách, dân tình mừng mừng tủi tủi. Rồi ngày đầu sau giãn cách, phố phường lại đông nghịt xe cộ, người đi lại nhộn nhịp, tiếng còi xe râm ran, những quán ăn cũng đã mạnh dạn mở phần nào. Đi trên đường ngắm nhìn phố xã mới thầm nghĩ “đây mới chính là nhịp thở cuộc sống”. Những quán ăn nối dài người xếp hàng mua về. Quán cắt tóc, gội đầu đông nghịt, nhưng ai cũng kiên nhẫn ngồi chờ một cách vui vẻ. Ngay cả những cửa hàng bảo dưỡng xe máy cũng nhộn nhịp không kém. Cuộc sống dường như lại trở về với nhịp sống vốn có. Mọi người hớn hở, quên đi những tháng ngày giãn cách im lìm thời gian vừa rồi một cách nhanh chóng.
Ai cũng thông cảm cho việc thời gian giãn cách khá dài khiến cho nhịp sống chậm lại, công việc làm ăn, buôn bán, kinh doanh kiếm tiền bị đình trệ, thu nhập gần như không có khiến cho nhiều người rơi vào trầm cảm. Bởi số người mất việc ngày một nhiều hơn. Số lao động phi chính thức quý II.2021 là 20,9 triệu người (57,4%), tăng 1,4 triệu người (1,6%) so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính số lao động trong quý III sẽ tiếp tục tăng. Theo Cục Việc làm, tỷ lệ lao động phi chính thức hiện nay được ghi nhận là cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, cho thấy dịch COVID-19 đã đẩy hơn 1,4 triệu người rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức. Tính đến ngày 4/8, đã có 38/63 tỉnh thành phố lập kế hoạch và phê duyệt danh sách hỗ trợ cho gần 8 ngàn lao động tự do từ nguồn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, đã phê duyệt danh sách hỗ trợ trên 791.000 lao động tự do và 47.200 đối tượng đặc thù; đã chi trả hỗ trợ khoảng 767.000 người, với tổng kinh phí 1.037 tỉ đồng.
Hà Nội nới lỏng giãn cách không có nghĩa là dịch Covid-19 đã được dẹp và cuộc sống đi vào vùng an toàn. Hiện dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Những ngày qua, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục giảm, có ngày xuống 1 con số. Tuy nhiên, TP Hà Nội cũng phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh một số tỉnh vẫn phức tạp. Hà Nội nới lỏng giãn cách là đúng đắn, tuy nhiên sau một thời gian dài giãn cách người dân có tâm lý "muốn ra đường" do vậy cần hết sức chú ý. Do tình hình dịch covid-19 của TP vẫn phức tạp, chưa thể khẳng định hết F0 trong cộng đồng.
Mặc dù nới lỏng giãn cách nhưng người dân không nên chủ quan, càng phải nâng cao ý thức, nâng cao cảnh giác. Chỉ vì tâm lý muốn “lao ra đường” mà đêm Trung thu cả biển người chen lấn, đông đúc khiến cho nhiều người dân có ý thức lắc đầu ngán ngẩm. Đừng để công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố trở thành công cốc và ý thức của bao người đổ sông đổ bể cùng với dòng người ý thức “bằng không” kia.
Hình ảnh người dân TP.HCM oằn mình chống dịch, 1.500 đứa trẻ mồi côi vì covid, có hơn 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 8 tháng nay, hơn 1,4 triệu người rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức…Chỉ nhìn con số đó thôi cũng đủ vẽ lên bức tranh xã hội ảm đảm đến mức nào. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn dài, không làm được việc lớn, mỗi người dân chỉ cần ý thức hơn trong việc bảo vệ chính mình, gia đình mình, đó cũng là cách chúng ta góp sức cùng xã hội sớm đẩy lùi dịch covid-19, để nhịp thở cuộc sống trở về trạng thái bình thường./.