Theo thống kê của Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh, lượng khách du lịch đến thăm quan Vịnh Hạ Long những năm gần đây ngày một tăng cao. Cụ thể, từ 6,6 triệu lượt năm 2011 lên 7,5 triệu lượt năm 2013 và dự kiến năm 2015 là trên 8 triệu lượt. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long vẫn chưa được quan tâm đúng mức, sự không đồng bộ trong hệ thống hạ tầng, bất cập trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trên Vịnh ngày một báo động. Rác, nước thải sinh hoạt từ các hoạt động du lịch, dịch vụ, đặc biệt là từ chính những cống nước thải sinh hoạt bên bờ vịnh đang gây ảnh hưởng lớn tới kỳ quan thiên nhiên thế giới này.
Vịnh Hạ Long. |
Công việc hàng ngày của những cán bộ thuộc Phòng Quản lý môi trường, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long bắt đầu từ 7 giờ sáng. Khoảng 50 người chia thành 20 tốp, mỗi tốp 1 tàu tiến hành thu góm rác thải trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Theo những nhân viên ở đây, tùy theo thủy triều hoặc thời tiết và theo mùa, khi nào có rác thì sẽ tiến hành thu gom để đảm bảo không có rác trên mặt Vịnh. Nhiều hôm rác nhiều quá anh em làm cật lực cũng không thu gom hết. Trung bình 1 ngày cả đội thu gom được khoảng 7,8 khối rác, hiện khu vực Trung tâm 2 (Trung tâm bảo tồn công viên hang động) có lượng rác nhiều nhất vì diện tích rộng, lượng khách đến nhiều hơn, rác ven bờ trôi về đây nhiều hơn.
Theo anh Vũ Duy Anh, chuyên viên phòng Quản lý môi trường, Ban quản lý vịnh Hạ Long, ý thức khách du lịch đã cao hơn rất nhiều nên việc khách du lịch xả rác xuống Vịnh gần như không có. Tuy nhiên nguồn rác trên Vịnh hiện nay chủ yếu là từ chính các tầu du lịch và rác sinh hoạt, nước thải trên ở trên bờ trôi xuống vịnh. Việc kiểm soát các tàu du lịch xả rác xuống Vịnh gặp rất nhiều khó khăn đa phần phải dựa vào ý thức của nhân viên và chủ tàu. Bên cạnh đó trên Vịnh còn có nhiều tàu vận tải thường xuyên hoạt động, đây cũng là nguồn phát sinh rác và dầu thải rất lớn.
Rác thải trên Vịnh Hạ Long được tập kết vào bờ. |
Có thể thấy, hoạt động vớt rác của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang là hoạt động thiết thực nhất đảm bảo vệ sinh môi trường trên Vịnh. Tuy nhiên, việc làm này mới chỉ giải quyết được lượng rác nổi, gồm: túi lylon, vỏ chai, xốp… Còn nguyên nhân chính gây ô nhiễm là nước thải từ các tàu du lịch, tàu vận tải hay từ các cống thoát nước ven bờ Vịnh thì vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào.
Vào những ngày nắng nóng, nếu đi dọc từ khu vực bờ biển từ chợ Hạ Long 1 đến khu đô thị Cột 8 mùi hôi thối nhiều người phải bịt mũi. TP Hạ Long có 2 nhà máy xử lý nước thải: Nhà máy Ao Cá tại khu vực Bãi Cháy và Nhà máy Hà Khánh tại khu vực Hòn Gai. Ngoài ra, có thêm 11 trạm xử lý nước thải của các khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện… Tuy nhiên, tất cả các đường ống xử lý nước thải của hai nhà máy trên đều ngầm dưới lòng đất và hoạt động khép kín rất khó kiểm soát chất lượng nước. Không phải nước thải tại điểm dân cư nào cũng được phép đấu nối vào hệ thống xử lý ngầm này mà đều phải qua kiểm tra. Công suất lý thuyết hiện tại của nhà máy xử lý nước thải Hà Khánh hiện tại là 5.000 mét khối/ngày đêm. Còn tại nhà máy xử lý nước thải Ao Cá, công suất 3.500 mét khối/ngày đêm và đã chạy hết công suất từ lâu.
Hiện chỉ có khoảng 30% nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi đổ xuống vịnh Hạ Long. Cụ thể, tại Hạ Long, lượng nước thải sinh hoạt lên tới gần 40m3/ngày đêm, trong khi tối đa chỉ xử lý được 15.100m3. Nhiều khu vực, nhiều phường không có hệ thống xử lý nước thải; đặc biệt nước thải chưa qua xử lý của nhiều nhà hàng, khách sạn không được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy, trạm xử lý, mà xả trực tiếp ra biển.
Trong khi đó mật độ nhà hàng, khách sạn và khu dân cư tại Bãi Cháy ngày càng đông, có ngày nhà máy Ao Cá nhận 5.000 mét khối nước thải hoặc nhiều hơn/ngày đêm, vậy thì phần nước thải được xả đi đâu?
Tàu du lịch đỗ tại bến tạm không đủ điều kiện để đưa rác, nước thải lên bờ. |
Việc quản lý môi trường tại các khu dân cư ven Vịnh phải giao quyền cho các địa phương, ví dụ tại TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả… Được biết các tàu du lịch, tàu nghỉ đêm trên Vịnh đều bắt buộc phải có bể ngầm xử lý trước nước thải, sau đó mới được phép xả thải ra Vịnh. Tuy nhiên, ý thức của người dân và người làm du lịch chưa phải ai cũng cao nên vẫn có tình trạng xả trộm, xả lén lút, không thể kiểm soát hết.
Tại Hội thảo bàn về các giải pháp bảo tồn Vịnh Hạ Long, bà Katherine Muller Marin – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng, muốn di sản văn hóa thiên nhiên thế giới này tồn tại bao nhiêu năm, chúng ta cần phải có những hoạt động thiết thực ngay hôm nay. Cần kiểm soát lượng du khách đến thăm Vịnh đảm bảo không vượt quá khả năng của Vịnh Hạ Long. Phải cân bằng được giữa lượng du khách và việc bảo tồn. Đảm bảo không có hiện tượng vứt rác thải gây ô nhiễm môi trường xuống Vịnh. Điều quan trọng nhất là tất cả những người dân và các bên cần phải tham gia tích cực thì mới bảo tồn được Vịnh Hạ Long lâu dài./.