PV: Việt Nam mở cửa du lịch từ ngày 15/3 với chính sách nhập cảnh thuận tiện, tuy nhiên lượng khách quốc tế đến (inbound) còn thấp. Ông có đánh giá gì về việc này?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Việc Việt Nam mở cửa vào ngày 15/3 vừa rồi là một chủ trương rất chủ động và quyết liệt của Nhà nước đối với việc phục hồi và phát triển du lịch. Tuy nhiên, ở thời điểm này lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều do một số nguyên nhân chủ yếu:
Trước hết, các thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam trước đại dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Nga, Malaysia… đa số chưa mở cửa, một vài thị trường đã mở cửa nhưng do tâm lý e ngại nên lượng khách du lịch đi nước ngoài nói chung và đến Việt Nam nói riêng chưa nhiều.
Ngoài ra, có thể do nguyên nhân từ sự lạm phát giá cả toàn cầu do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, làm du khách phải giảm hoặc thắt chặt mức chi tiêu và nhu cầu đi du lịch Việt Nam, đặc biệt là du khách đến từ Nga và các quốc gia châu Âu.
Tháng 3 cũng là thời điểm cuối vụ của khách quốc tế đến Việt Nam (thông thường cao điểm khách du lịch quốc tế là tháng 10 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau). Hơn nữa, các hãng lữ hành quốc tế thường đặt dịch vụ từ sớm (một vài tháng cho đến 1 năm), nên mở cửa vào ngày 15/3 cũng khó có thể đón được lượng khách quốc tế lớn ngay tại thời điểm mở cửa được.
PV: Cụ thể việc thiếu vắng nguồn khách quan trọng từ Đông Bắc Á sẽ ảnh hưởng đến thị trường inbound của Việt Nam như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Trước đại dịch, năm 2019, Việt Nam đón được gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế. Ở thời điểm đó, tính chung cả thị trường khách Đông Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), đã chiếm khoảng 66% lượng khách đến du lịch Việt Nam, đóng vai trò rất lớn đối với tổng số lượng khách và doanh thu của ngành du lịch Việt Nam.
Qua 2 năm đại dịch Covid-19, các thị trường này đều đóng cửa. Hiện nay mới chỉ có Hàn Quốc dần mở cửa trở lại với thị trường khách inbound và outbound. Do vậy, quá trình phục hồi của ngành du lịch Việt Nam chắc chắn bị phụ thuộc nhiều vào thị trường này. Chỉ khi nào các thị trường nguồn mở cửa hoàn toàn trở lại thì tốc độ phục hồi của ngành du lịch Việt Nam mới có thể nhanh chóng được. Nếu không, ngành du lịch sẽ phục hồi khá chậm và Việt Nam cần phải tìm kiếm các thị trường thay thế để tăng tốc độ phục hồi của ngành.
PV:Vậy theo ông những thị trường nào có thể giúp du lịch Việt Nam tăng tốc độ phục hồi?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Tôi cho rằng thị trường Đông Nam Á vẫn là dòng khách tiềm năng nhất mà du lịch Việt Nam có thể tập trung thu hút, do khoảng cách về mặt địa lý, thuận tiện về giao thương, bên cạnh sự thông thoáng về mặt thủ tục xuất nhập cảnh (do họ được miễn thị thực). Các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines đều là những quốc gia có dân số lớn và người ở những quốc gia này có nhu cầu đi du lịch ở các quốc gia lân cận như Việt Nam ngày càng gia tăng. Du khách từ Singapore và Campuchia vốn là những thị trường ổn định, đến với Việt Nam khá nhiều và chúng ta sẽ ngày càng thu hút họ hơn. Làm tốt công tác tổ chức SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5 tới đây sẽ cơ hội quảng bá tuyệt vời của du lịch Việt Nam tới thị trường khách Đông Nam Á.
Bên cạnh đó các thị trường khách lớn như châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan), Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Đông cũng là thị trường tiềm năng du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác. Đối với các thị trường này, công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam cộng thêm những chính sách ưu tiên về miễn thị thực vẫn là “chìa khóa” để khách lựa chọn đi du lịch Việt Nam.
PV:Dù vậy cũng không thể bỏ quên Đông Bắc Á, với Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất thế giới mà mọi quốc gia đều quan tâm. Theo ông chúng ta phải chuẩn bị gì để đón đầu thị trường này?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Từ góc độ cung du lịch, với nhu cầu rất lớn của thị trường Đông Bắc Á, chúng ta vẫn phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đón tiếp nguồn khách này, đặc biệt là các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch (ăn uống, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm…) ở điểm đến, số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Sau 2 năm đại dịch, các điều kiện trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn nhân lực thiếu hụt, đòi hỏi bổ sung do nhân lực dừng việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp không quay lại, đặc biệt là những lao động thành thạo tiếng Nhật và tiếng Hàn. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp cần tu bổ, nâng cấp; chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch bị đứt gẫy phải chắp nối để vận hành thông suốt… Tất cả những điều kiện này cần được phục hồi, làm mới thật tốt để đón tiếp du khách.
Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần chủ động truyền thông mạnh mẽ về chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch “Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn” (Live fully in Vietnam) tại các quốc gia này thông qua các cơ quan ngoại giao (Đại sứ quán, lãnh sự quán) và thông qua kết nối của các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh du lịch đối với thị trường khách này.
Ở góc độ cầu du lịch, Việt Nam có thể thông qua các doanh nghiệp du lịch để đánh giá lại nhu cầu đi du lịch, thời điểm mong muốn du lịch, và khả năng chi tiêu của thị trường khách này khi đến Việt Nam, từ đó có những kế hoạch chuẩn bị chi tiết và chu toàn.
PV:Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ cách làm du lịch của Thái Lan?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Trước hết chúng ta phải học “tư duy định hướng du lịch” của người Thái. Du lịch là ngành dịch vụ số 1 ở Thái Lan và người Thái tập trung mọi chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch.
Thêm nữa, chúng ta phải học cách người Thái “móc hầu bao” của du khách. Thái Lan thường có chính sách du lịch 3G (Get them in – Đón khách vào, Get their money – làm cho khách du lịch tiêu tiền, Get them out – tiễn khách về nước) rất thành công dù du khách đến từ bất thị trường nào. Người Thái không e ngại để làm các tour du lịch giá rẻ - tour 0 đồng (kể cả với thị trường khách Trung Quốc), mà họ rất giỏi trong việc làm cho du khách phải tự nguyện chi tiêu các sản phẩm và dịch vụ ngoài tour.
Trong những năm gầy đây (trước đây đại dịch Covid-19), Thái Lan luôn nằm trong tốp 10 quốc gia đón khách du lịch hàng đầu thế giới, và tốp 4 quốc gia có thu nhập cao nhất từ du lịch. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan chỉ bằng một gần nửa (năm 2019 là 40 triệu) so với đến các quốc gia hàng đầu như Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ (năm 2019 lần lượt là 89, 84, 79 triệu) nhưng chi tiêu ngày khách ở Thái Lan rất cao, thậm chí hơn nhiều so với các quốc gia trên để thấy người Thái làm du lịch tốt thế nào. Để làm được điều này, thì người Thái xây dựng được chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch (ăn uống, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm, dịch vụ bổ sung…) có tính kết nối chặt chẽ và hoàn hảo.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên học sự nhạy bén và uyển chuyển của người Thái trong việc đưa ra các chiến dịch, chính sách tiên phong đón đầu xu hướng sản phẩm và tiêu dùng. Trước đây, họ nổi tiếng với chiến dịch “Bất ngờ Thái Lan” với 8 chủ đề - ATET (Amazing Thailand Eight Themes: Bất ngờ thiên đường mua sắm, Bất ngờ hương vị Thái Lan, Bất ngờ nghệ thuật đời sống, Bất ngờ thể thao và giải trí, Bất ngờ di sản thế giới, Bất ngờ di sản nông nghiệp, Bất ngờ cửa ra vào), hay “Mảnh đất của những nụ cười” (Land of smiles), hay “Bếp ăn của Thế giới (Kitchen of the world)… Vào năm ngoái khi ngành du lịch nhiều nơi trên thế giới và khu vực vẫn “loay hoay” với đại dịch Covid-19, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa đón khách với chương trình “Hộp cát Phuket” (Phuket Sandbox) và đạt được những thành công nhất định./.
PV: Xin cảm ơn ông./.