Hòa mình vào những giai điệu vui tươi trong chương trình biểu diễn nhạc cụ dân gian Tây Nguyên tại Bảo tàng Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Sơn - khách du lịch đến từ thành phố Hà Nội cảm thấy rất hào hứng và thích thú. Ông Sơn cho biết, ông đã nghe và biết đến Đắk Lắk qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng đây là lần đầu tiên được đến đây trải nghiệm du lịch. Những hoạt động tham quan theo tour rất hấp dẫn, cuốn hút ông.

Những ngày qua, trung bình mỗi ngày Bảo tàng Đắk Lắk đón hàng trăm lượt du khách, có những ngày, lượng khách lên tới hàng ngàn người. Ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, đây là tín hiệu rất vui bởi sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi du lịch được mở cửa trở lại thì ngành du lịch Đắk Lắk đã có những bước phục hồi. Lượng khách đến tham quan những ngày qua cũng phản ánh những nỗ lực của ngành trong việc tương tác với du khách thông qua nhiều kênh thông tin.

"Trong quá trình dịch bệnh thì chúng tôi thường xuyên tương tác với khách trên không gian số. Chúng tôi tổ chức nhiều các hoạt động trên đó, ví dụ như giới thiệu các trưng bày trực tuyến, giới thiệu những câu chuyện, hiện vật và thường xuyên tương tác với khách trên fanpage và youtube của bảo tàng. Nhờ đó mà giữa Bảo tàng Đắk Lắk và du khách đều có giữ mối quan hệ nhất định, và khi mở cửa du lịch thì du khách đã đến. Chúng tôi nhận được rất nhiều lượt đăng ký, lượng khách đến rất đông" - ông Đinh Một nói.

Cùng với thúc đẩy và phát triển các sản phẩm du lịch, từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk cũng nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch với các tỉnh để liên kết vùng du lịch và phát triển các dịch vụ du lịch theo tuyến. Trong quý 1 năm nay, tỉnh đã tham gia hội chợ du lịch quốc tế, ký kết hợp tác với các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, hay đẩy mạnh kết nối xây dựng sản phẩm du lịch với tỉnh Khánh Hòa.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao về triển vọng liên kết vùng giữa 2 tỉnh trong phát triển du lịch: "Lợi thế của hai tỉnh thì sản phẩm du lịch hai nơi rất khác nhau, không có sự trùng lặp thì thực hiện triển khai liên kết rất thuận lợi. Với thế mạnh của Khánh Hòa là du lịch biển đảo, gắn với du lịch sinh thái núi rừng của tỉnh Đắk Lắk thì giúp sản phẩm phong phú. Từ việc triển khai liên kết vùng, chúng tôi hy vọng với sản phẩm này thì sự liên kết sẽ đạt hiệu quả trong thời gian tới".

Theo thống kê của Đắk Lắk, trong quý 1 năm nay, địa phương đã tiếp đón gần 240.000 lượt khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh. Riêng trong tháng 4 này, lượng khách đến tỉnh càng tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ, nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn hầu như kín phòng. Các đoàn khách từ các tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh,… cũng lựa chọn Đắk Lắk là điểm đến trong hành trình tham quan du lịch miền Trung và Tây Nguyên.

Theo ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, với những thế mạnh và điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa, Đắk Lắk đang nỗ lực rất nhiều để từng bước khôi phục hoạt động du lịch.

Ông Đặng Gia Duẩn cho biết: "Một trong những mô hình rất nhiều du khách mọi miền Tổ quốc đều rất yêu thích khi đến Đắk Lắk đó là trải nghiệm du lịch sinh thái. Đắk Lắk có cà phê, có văn hóa cồng chiêng với không gian rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là có văn hóa voi. Hiện nay tỉnh đang triển khai du lịch thân thiện với voi, chỉ riêng tên gọi đó thôi cũng đã gây tò mò cho du khách. Bên cạnh đó, hiện nay các hộ gia đình chủ động mở các homestay, farmstay gắn với du lịch xanh và bền vững, đặc biệt là gắn với nông nghiệp. Đắk Lắk cũng rất có lợi thế về nông nghiệp, đó cũng là lợi thế, nền tảng để phát triển du lịch nông nghiệp trong thời gian tới".

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong điều kiện bình thường mới, Đắk Lắk đang tích cực triển khai nhiều hoạt động để kích cầu du lịch. Cùng với các giải pháp về đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, ứng xử chuẩn mực với du khách F0, tỉnh Đắk Lắk cũng đang nỗ lực để xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và khai thác được thế mạnh của địa phương./.