Những năm gần đây, cứ vào dịp kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tỉnh Điện Biên lại tổ chức Lễ hội Hoa Ban; mục đích tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Điện Biên; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tôn vinh, quảng bá hình ảnh Hoa Ban, là biểu trưng cho mảnh đất và con người Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.

PV VOV phỏng vấn ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về nội dung này.

vov_ong_le_van_quy_pho_chu_tich_ubnd_tinh_dien_bien_pdce.jpg
Ông Lê Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

1. Thưa ông, sau 4 lần tổ chức Lễ hội Hoa Ban, nhiều người lo ngại sẽ có sự lặp lại buồn chán ở Lễ hội năm nay ?

 Ông Lê Văn Quý: Cứ thường kỳ mỗi năm một lần tỉnh Điện Biên lại tổ chức Lễ hội hoa Ban. Năm nay, chúng tôi có tổ chức một số hoạt động mới, trước hết là cuộc thi “Người đẹp hoa Ban” với thí sinh dự thi từ 8 tỉnh Tây Bắc. Đây là hoạt động để chúng tôi giới thiệu về mảnh đất, con người Điện Biên; đồng thời, cũng là dịp để 8 tỉnh Tây Bắc giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để xúc tiến du lịch.

Thứ 2 là trong lễ hội hoa Ban năm nay, chúng tôi tổ chức tổng thể các hoạt động văn hóa, thể thao để vừa là lễ hội hoa Ban, vừa là ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc. Năm nay, lần đầu tiên chúng tôi cũng tổ chức thi xe đạp thồ. Đây cũng là hoạt động thể thao; tuy nhiên quan trọng hơn là ôn lại truyền thống ngày xưa cha ông chúng ta đã dùng xe thồ để làm công tác hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Phụ nữ Thái Điện Biên rực rỡ trong Lễ hội hoa Ban

2. “Lễ hội Hoa Ban” – tên gọi rất độc đáo! Hoa Ban là loại hoa đặc trưng ở Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào nơi đây. Xin ông cho biết trước mắt và lâu dài, tỉnh có kế hoạch bảo tồn, phát huy loại cây này như thế nào?

Ông Lê Văn Quý: Hoa Ban là loài hoa rất đẹp thường nở vào mùa xuân. Nhất là vào các buổi sáng – khi sương sớm long lanh, nhìn những cánh Ban nở sẽ thấy sức sống mãnh liệt. Tôi cho rằng đây là loài hoa đẹp nhất Tây Bắc, mà Điện Biên là một trong những vùng trọng điểm của hoa Ban.

Để cho hoa Ban mãi đẹp trên mảnh đất Điện Biên, từ nhiều năm nay, tỉnh đã tổ chức trồng hoa Ban, với khoảng trên 5.000 cây dọc tuyến đường từ thành phố Điện Biên Phủ đến đỉnh đèo Pha Đin – cửa ngõ của tỉnh. Hiện nay, nhiều đoạn đã bắt đầu nở.

Chúng tôi trồng Ban khắp thành phố Điện Biên Phủ, các trường học và các huyện, các khu thị tứ, trung tâm các xã… Tỉnh Điện Biên cũng có quy định là không được khai thác cây Ban và không được trồng cây Ban bằng thân cây, bởi vì nếu trồng Ban bằng thân cây thì người ta sẽ chặt cành Ban, ngâm thuốc kích thích cho ra rễ để trồng thành cây Ban rất sớm ra hoa.

Tuy nhiên, việc này chính là tiếp tay cho phá rừng và phá hoại cây Ban. Vì vậy, chúng tôi đã cấm không cho trồng Ban theo hướng đó. Hàng năm tỉnh cũng đầu tư kinh phí cho các huyện, thị, thành phố, các đơn vị về giống Ban; nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân cũng đã bỏ kinh phí ra mua giống trồng Ban.

Ngoài ra, tỉnh Điện Biên cũng đang chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện dự án bảo tồn và phát triển cây hoa Ban trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, nhằm tạo điểm nhấn và ấn tượng đặc sắc cho du khách đến thăm quan Điện Biên.

Hoa Ban rực rỡ trên các tuyến phố ở TP Điện Biên Phủ

3. Được biết, trong dịp tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2017, tỉnh Điện Biên có kế hoạch đưa cây Ban về trồng tại thủ đô Hà Nội. Cụ thể việc này là như thế nào?

Ông Lê Văn Quý: Tỉnh Điện Biên đã phối hợp với thủ đô Hà Nội để tiến hành trồng 500 cây Ban dọc trục đường Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân ra sân bay Nội Bài. Đây là hoạt động nhằm đưa cây Ban về với Thủ đô, đưa nét đẹp của Điện Biên về với Thủ đô. Việc trồng cây Ban trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp cũng nhằm để đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế một lần nữa ghi nhận công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; đồng thời cũng là thể hiện tình cảm của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đối với Đại tướng. 

4. Được biết, những hoạt động chính của lễ hội sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 3; và lễ hội sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 5. Vậy, những hoạt động sau trung tuần tháng 3 chủ yếu sẽ là gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Quý: Lễ hội hoa Ban năm nay sẽ khai mạc vào tối 12/3. Chương trình khai mạc với các nét hiện đại kết hợp với bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với vẻ đẹp của hoa Ban sẽ được phát thanh trực tiếp, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và truyền hình Việt Nam.

Chùm hoạt động trong Lễ hội hoa Ban và tuần văn hóa – du lịch của Điện Biên sẽ được tổ chức từ ngày 11 đến 15/3 với rất nhiều hoạt động. Sau ngày 15/3 sẽ có các hoạt động văn hóa – thể thao – du lịch ở các huyện, thị, thành phố đến tận các thôn bản, tùy theo từng điều kiện, hoàn cảnh và từng nét đẹp truyền thống văn hóa của các đơn vị mà tổ chức các hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc; các nét văn hóa của các dân tộc.

Tinh khôi hoa Ban Điện Biên - Tây Bắc

Đến dịp chuẩn bị kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5 sẽ là chùm các hoạt động tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ, nhằm giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, cũng như đồng bào các dân tộc; đồng thời, cũng là dịp để mời gọi khách du lịch đến với Điện Biên để phát triển kinh tế mũi nhọn là kinh tế du lịch của Điện Biên.

Xin cảm ơn ông./.