huong_dan_vien_lrgf.jpg
Số lượng hướng dẫn viên tiếng Trung hiện rất hiếm tại Quảng Nam. Ảnh: Vĩnh Lộc.
Gia tăng khách Trung Quốc

Thống kê từ Phòng Thương mại và du lịch Hội An cho thấy, trong khoảng 3 năm trở lại đây lượng khách Trung Quốc đến Hội An có chiều hướng gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2015, tổng lượng khách Trung Quốc chỉ gần 50 nghìn lượt thì 6 tháng đầu năm 2016 con số này đã đạt khoảng 40 nghìn lượt. Ngoài Cù Lao Chàm và khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh, khách Trung Quốc cũng tập trung đông trong phố cổ, chủ yếu là Chùa Cầu và Hội quán Quảng Đông. Riêng tại Cù Lao Chàm, khách Trung Quốc chiếm số lượng khá lớn (năm 2015 là 29.378 lượt và 6 tháng đầu năm 2016 là 22.987 lượt). Phần lớn khách Trung Quốc đến Hội An tham quan xong và ra Đà Nẵng lưu trú. Nếu so với tổng lượng khách quốc tế đến Hội An mỗi năm trên dưới 1 triệu lượt thì số khách Trung Quốc không phải là quá lớn. Tuy nhiên, theo nhiều người nhận xét, khác với khách Âu - Mỹ, khách Trung Quốc được xem là khá “ồn ào” và ý thức kém nên thường gây ảnh hưởng với người xung quanh tại những nơi đoàn đến, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ tại Hội An luôn tỏ ra e ngại khi đón đối tượng khách này.

Hướng dẫn viên người Trung Quốc (ngoài cùng, bên trái) hướng dẫn “chui” tại Chùa Cầu, Hội An.

Đặc biệt, cùng với lượng khách gia tăng, cũng đã xuất hiện tình trạng hướng dẫn viên là người Trung Quốc hoạt động “chui” tại Hội An. Dù diễn ra không nhiều hay lộ liễu như Đà Nẵng hoặc Nha Trang, nhưng sự xuất hiện của các đối tượng này không chỉ vi phạm luật du lịch (cấm người nước ngoài hành nghề hướng dẫn du lịch tại Việt Nam) mà ở một số trường hợp cũng xuất hiện tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử gây hiểu lầm cho khách.

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao TP.Hội An, đơn vị quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan phố cổ cho biết, sau những thông tin về tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động “chui” tại Đà Nẵng, đơn vị đã phản ánh và đề nghị thanh tra Sở VH-TT&DL vào cuộc để thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý các trường hợp sai phạm. “Tình trạng hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động “chui” tại Hội An là có nhưng không nhiều do điểm tham quan phố cổ khép kín, lại là phố đi bộ nên đơn vị dễ dàng phát hiện xử lý kịp thời.

Muốn giải quyết rốt ráo vấn đề, các công ty lữ hành phải kết nối với văn phòng hướng dẫn tham quan để bố trí người thuyết minh. Bởi hiện nay, một số công ty lại khoán trắng cho đoàn Trung Quốc tự dẫn khách, tự hướng dẫn, dẫn đến không ít thông tin về lịch sử không chính xác hoặc bị xuyên tạc sai lệch” - ông Phùng nói. Thực tế, cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động hướng dẫn “chui” bên cạnh việc tiết giảm chi phí của các công ty lữ hành cũng xuất phát từ việc thiếu hụt đội ngũ hướng dẫn viên người Việt biết tiếng Trung. Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 hướng dẫn viên tiếng Trung được cấp thẻ nên khó thể đáp ứng đủ nhu cầu từ các đoàn khách Trung Quốc đến Hội An ngày càng đông như hiện nay.

Khó xử lý triệt để

Việc quản lý, xử lý vi phạm của những hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc cũng như nước ngoài nói chung là vấn đề rất phức tạp. Theo ông Nguyễn Tấc Thành - Phó Chánh thanh tra Sở VH-TT&DL, để xử lý hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động “chui” phải có đầy đủ bằng chứng từ quay phim, chụp ảnh cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan từ an ninh, xuất nhập cảnh, địa phương… kể cả Tổng cục Du lịch kiểm soát ngay từ “đầu vào”.

Tuy nhiên, Thanh tra sở lại ở Tam Kỳ không thể thường xuyên túc trực tại Hội An nên khó kiểm tra giám sát các vi phạm được. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân lực và trình độ ngoại ngữ của đội ngũ thanh tra cũng là một trở ngại khi tiến hành thanh tra xử lý các hướng dẫn viên nước ngoài vi phạm (không riêng gì hướng dẫn viên Trung Quốc mà còn hướng dẫn viên Hàn Quốc, Thái Lan…). Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm Thanh tra sở chỉ xử phạt được 1 trường hợp (số tiền 17,5 triệu đồng), riêng năm 2015 thì không xử lý được trường hợp nào.

“Thanh tra sở chỉ có 7 thành viên nhưng lại phải làm rất nhiều việc từ văn hóa, thể thao, gia đình, du lịch nên hầu hết hoạt động thanh tra đều làm theo kế hoạch định kỳ, chỉ khi nào có vấn đề nóng xảy ra mới tiến hành thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của giám đốc sở” - ông Thành chia sẻ.

Khách Trung Quốc được xem là khá “ồn ào” dù có đến tham quan chốn trang nghiêm.

Hiện theo dõi thanh tra mảng du lịch chỉ mình ông Thành phụ trách nhưng cũng phải quản lý thêm mảng thể thao. Chính vì vậy, dù thời gian qua TP.Hội An đã đề xuất Sở VH-TT&DL bố trí ít nhất 2 thanh tra viên có mặt thường trực tại Hội An để phối hợp giám sát, thanh tra chặt chẽ các đối tượng vi phạm Luật Du lịch nơi đây nhưng đến nay vẫn chưa thể đáp ứng. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, việc kiểm tra giám sát các hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực du lịch luôn được sở quan tâm thường xuyên.

Mới đây, sở cũng đã thành lập đoàn thanh tra túc trực tại Hội An (bắt đầu chiều 30.6) để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Du lịch Việt Nam là khách đến điểm du lịch phải được hướng dẫn viên người Việt thuyết minh. Đặc biệt, với phố cổ Hội An yêu cầu này còn cao hơn khi đòi hỏi các hướng dẫn viên nơi đây phải qua lớp đào tạo hướng dẫn viên di sản.

“Thật ra, đối với Quảng Nam tình hình hướng dẫn viên người nước ngoài hành nghề trái phép chưa phải là nghiêm trọng nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng có những phương án để đảm bảo tốt nhất việc thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, để lập lại trật tự môi trường du lịch, hiện nay chúng tôi đã phối hợp với TP.Hội An để các mạng lưới bán vé sẽ là khâu đầu tiên kiểm soát khách khi mua vé vào di sản cũng như xem xét hoạt động của các đoàn, nếu có bất cập thì thông báo cho Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam hoặc thanh tra sở biết xử lý. Trước mắt, phía Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An cũng sẽ tăng cường bố trí thêm 4 thuyết minh viên tiếng Trung ngay tại những điểm mà khách Trung Quốc thường đến để có sự phối hợp, thuyết minh kịp thời cho khách Trung Quốc” - ông Hài cho biết./.