Năm 2005, nhiều hang động lớn, nhỏ đã được phát hiện trong di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Trong đó, các hang lớn: Tối, Vòm, én, Khe Ri... đều có thể khai thác phục vụ khách tham quan. Dễ khai thác nhất là hang Tối, vì hang nằm ngay trên dòng sông Chày, chỉ cách động Phong Nha, Tiên Sơn đang đón khách hiện nay trên 5km. Nguồn vốn đầu tư khai thác hang này không nhiều, do cửa hang nằm ngay trên sông Chày, không mất nhiều tiền cho việc mở đường đến hang.

Tháng 8/2005, động Thiên Đường được phát hiện tại khu rừng phía Tây đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây). Đây là hang động được các nhà chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá là tráng lệ hơn cả động Phong Nha, Tiên Sơn. Hang nằm cách trung tâm du lịch Phong Nha hơn 20km. Từ km16 đường Hồ Chí Minh vào đến hang khoảng 6-7km, trong đó hơn 5km là đường đất khá bằng phẳng, xuyên trong rừng cây nguyên sinh, rất thuận lợi cho du khách đi bộ vào tham quan. Với địa hình như vậy có thể tổ chức đưa khách du lịch vào tận chân núi bằng các phương tiện xe thô sơ, sau đó, khách leo lên các triền đá trên núi đá cao để lên hang.

dl1.jpg

Năm 2009, hang động lớn nhất thế giới là Sơn Đoòng, với chiều cao 150m, chiều rộng hơn 200m được phát hiện. Sau đó là hang động Tố Mộ, Tú Làn... với cảnh sắc đẹp chẳng kém gì các hang động ở rừng Phong Nha được người dân địa phương phát hiện tại vùng rừng thuộc xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá. Bước đầu, UBND huyện Minh Hoá đã tổ chức khảo sát và đánh giá là khá thuận lợi cho việc khai thác phục vụ du lịch.

Du lịch hang động là loại hình du lịch được ưa chuộng, hằng năm lượng khách không ngừng tăng. Minh chứng rõ nhất là động Phong Nha, Tiên Sơn được khai thác từ năm 1993 thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2009, động Phong Nha, Tiên Sơn đón trên 310.000 lượt khách, đạt tổng doanh thu từ 13-15 tỉ đồng/năm. Nếu các hang động mới phát hiện nhanh chóng được đưa vào khai thác, lượng khách đến với Quảng Bình sẽ tăng lên nhiều. Việc khai thác hang động phục vụ du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Qua đó cũng bảo vệ được di sản vì người dân trong vùng có công việc làm sẽ không vào rừng chặt phá cây rừng, săn bắt động vật kiếm sống.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình, cho biết: Cách đây 5-6 năm, tỉnh đã có ý định lập quy hoạch tổng thể cho Phong Nha - Kẻ Bàng để các động mới được phát hiện sớm được đưa vào khai thác nhưng vẫn chưa làm được do chưa đủ nguồn lực. Nhiều nhà đầu tư đã tới tỉnh thăm dò nhưng do chưa có quy hoạch nên rất khó mở ra hướng đầu tư cho các doanh nghiệp. Chính phủ đã cho tỉnh kêu gọi các nhà chuyên môn tham gia xây dựng quy hoạch cho Phong Nha - Kẻ Bàng. Và tổ chức GTZ (CHLB Đức) hứa sẽ hỗ trợ kinh phí nhưng Quảng Bình cũng chưa làm được bởi việc lập quy hoạch cho di sản không phải là việc dễ làm.

Vì việc lập quy hoạch không dễ dàng nên chẳng biết đến bao giờ khách du lịch mới được khám phá những hang động mới ở Quảng Bình./.