Trung Quốc là thị trường lớn về khách du lịch. Vì thế, chúng ta phải có cách làm phù hợp. Tiến sỹ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển miền Trung cho rằng, đầu tiên phải thiết lập kỷ cương về du lịch. Tất cả các công ty tổ chức du lịch phải đủ điều kiện mới được phép hoạt động; kiểm tra xử phạt thật nặng, kể cả các công ty lữ hành trong nước có biểu hiện tiếp tay.

Nhà nước cần tăng thẩm quyền, nâng cao vai trò chức năng của các hiệp hội. Các địa phương nên chủ động trong khâu dự báo, ước lượng khách đến. Từ đó có kế hoạch chuẩn bị nhân lực phục vụ và dịch vụ điểm đến, làm sao đáp ứng các nhu cầu về ăn, nghỉ, giải trí và mua sắm của du khách.

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, trước mắt cần xử lý nghiêm những hành vi gian dối: "Chúng ta phải áp dụng luật rất nghiêm đối với nội bộ những tổ chức bên trong mình, những cá nhân, tổ chức lữ hành làm gian dối, làm theo kiểu tiếp tay cái sai thì phải xử rất nghiêm. Những công ty lữ hành, cá nhân Trung Quốc sang đây vi phạm, tôi nghĩ, vấn đề không phải là phạt bao nhiêu tiền, vấn đề là phải cấm. Chúng ta phải làm mạnh dạn một vài trường hợp. Cái gì sai phải cương quyết xử lý".

vov_41_hvae.jpg
Một người Trung Quốc đang hướng dẫn du khách tại Hòn Chồng, Nha Trang.

Lãnh đạo các tỉnh miền Trung cũng thừa nhận rằng, xảy ra tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui, lữ hành trái phép và các hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch trá hình đều có nguyên nhân từ công tác quản lý còn nhiều lỏng lẻo. Chấn chỉnh tình trạng này, một số địa phương đã thành lập đội liên ngành gồm các lực lượng: Thanh tra du lịch, Công an, Quản lý thị trường, Thuế... phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nặng các trường hợp vi phạm.

Thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị lữ hành trong nước ký cam kết, không tiếp tay cho đối tác nước ngoài núp bóng hoạt động. Đồng thời lắp đặt camera giám sát tại các điểm, khu du lịch, nhà hàng lớn để kiểm soát hoạt động kinh doanh lữ hành. Về lâu dài, thành phố Đà Nẵng đề nghị cho phép thành lập lực lượng Cảnh sát Du lịch để xử lý các vấn đề nóng trên lĩnh vực du lịch.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu ngành Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan như Công an, Quản lý thi trường, chính quyền các địa phương chấn chỉnh tình trạng du lịch chui: "Sự quản lý lỏng lẻo của chúng ta, khách đến đây không dùng hướng dẫn viên của mình toàn hướng dẫn viên của họ. Rồi những tour không đồng, không cần tiền bán tour mà chỉ cần bán sản phẩm thôi. Đưa khách vào trong khu vực khép kín rồi bán cái gì ở trong đó đem về có thể dẫn đến hệ lụy về môi trường du lịch, gây ra phản cảm về văn hóa. Yêu cầu Sở Du lịch phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan từ công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương chấn chỉnh tình trạng này".

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thừa nhận rằng địa phương phản ứng quá chậm và lúng túng trong khi lượng khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc tăng đột biến. Theo ông Trần Sơn Hải, các ngành ở địa phương chưa có những giải pháp xử lý đồng bộ. Đơn cử, khi phát hiện hướng dẫn viên hoạt động trái phép thì xử phạt, nhưng làm thế nào để đủ số lượng hướng dẫn viên đáp ứng lượng khách tăng nhanh lại lúng túng.

Ông Trần Sơn Hải đề nghị, cần tổ chức đội ngũ thuyết minh viên tại chỗ ngày càng tốt hơn: "Quan điểm của tỉnh là phải xử lý đến tận gốc. Bây giờ khách nườm nượp đi như thế này thì đoàn kiểm tra không thể đủ để theo dõi được. Mời các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khách Trung Quốc cam kết không có các sai phạm. Còn tại các điểm đến có phương án bổ sung thuyết minh viên bằng tiếng Trung Quốc hướng dẫn cho đoàn khách Trung Quốc".

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Đà Nẵng kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chế tài đối với doanh nghiệp tiếp tay để người Trung Quốc, Hàn Quốc nhận đón khách trái phép. Về phía cộng đồng doanh nghiệp cũng phải mạnh dạn tố cáo doanh nghiệp làm ăn theo kiểu trá hình.

Ông Cao Trí Dũng đề xuất, nên kiểm soát du khách ngay từ đầu vào: "Khách Trung Quốc tế vào Việt Nam phải có duyệt nhân sự. Bây giờ để  kiểm tra giám sát cái đó không khó. Số liệu từ phía Xuất nhập cảnh cho biết được công ty này duyệt bao nhiêu khách, doanh thu đến đâu, ta chỉ cần kiểm tra xử phạt một vài doanh nghiệp điển hình khi đó ta tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Còn hạn chế tour không đồng, tua giá rẻ là để bảo vệ hình ảnh điểm đến, bảo vệ quyền lợi du khách phải điều chỉnh từ cơ quan quản lý nhà nước cấp cao, tức là 2 Tổng cục Du lịch Việt Nam và Trung Quốc".

Cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán trực tiếp bằng Nhân dân tệ

Hàng loạt giải pháp mạnh đã và đang được ngành du lịch các địa phương tập trung triển khai để chấn chỉnh hoạt động du lịch ở miền Trung. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng nóng của du khách Trung Quốc và Hàn Quốc như hiện nay thì vẫn còn nhiều gian nan. Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, những tiêu cực trong thời gian qua đã gây thiệt hại cho du khách, địa phương và hình ảnh đất nước.

Dự báo lượng khách quốc tế, trong đó khách Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Quan điểm của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, không phát triển theo kiểu "ăn xổi ở thì".

Ông Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị chính quyền các địa phương khẩn trương vào cuộc chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch trái phép, bảo vệ quyền lợi du khách, giữ gìn hình ảnh điểm đến phải an toàn, thân thiện: "Quan điểm của chúng ta phát triển du lịch bền vững có chất lượng cao và du lịch phải làm sao để điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, hoạt động đúng pháp luật. Nhưng vấn đề sự phát triển có qui hoạch, chuẩn bị, dự báo chu đáo. Làm sao bảo vệ được khách du lịch, bảo vệ sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch chúng ta và bảo vệ hình ảnh của Việt Nam"./.

Bài 1: Nhức nhối hướng dẫn viên

VOV.VN -Việc khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc đến miền Trung tăng đột biến nảy sinh nhiều biến tướng trong hoạt động hướng dẫn, kinh doanh lữ hành.