vov_hai_1__cqfr.jpg
Tháng 3 thời tiết đang độ xuân, mưa phùn ẩm và những ngày nồm đến mệt được bù đắp bằng những sắc hoa thật đẹp. Hoa gạo cũng là một mùa hoa tháng 3 như thế. 
Nếu bưởi, sưa quá đỗi dịu dàng với sắc trắng, thì hoa gạo lại được ví như những ngọn lửa với màu đỏ rực rỡ.
Những chú chim nhỏ chuyền cành trên cây hoa gạo. Nếu tính về số lượng, cây gạo chẳng quá nhiều, nhưng sự xuất hiện của nó, dù ở đâu cũng gây được chú ý. 
Một mảng trời nhuộm hồng sắc hoa điệp anh đào, loài hoa từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng, một thứ gì đó như là “tâm hồn của Quốc Học".
Những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3, sân trường Quốc Học lại rợp một tầng "mây hồng" kết bằng những đóa điệp anh đào. 
Cứ đến tháng 3, Facebook của cựu học sinh Quốc Học thì đều mang một màu sắc hoài niệm với những status như: “Nhớ quá mùa điệp anh đào ngày xưa, giá như có thể trở về dù chỉ là trong khoảnh khắc”.
Hàng ghế sân trường dưới tán cây điệp anh đào là nơi chứng kiến những mối tình học trò thật trong sáng và tinh khôi.
Điệp anh đào còn có tên gọi đỗ mai.
Một cây điệp anh đào bên dòng sông Hương, nơi hẹn hò lý tưởng của những cặp đôi.
Hoa tạo nên một không gian lãng mạn, thơ mộng, không chỉ là nơi chụp hình quen thuộc của những bạn trẻ mà còn lưu vào ký ức của biết bao thế hệ học trò Quốc Học.
Người làng ra đi mỗi lần thấy màu tím của hoa xoan bồng bềnh trong làn sương khói mờ ảo lại cứ nghĩ như mình đang ở cố hương.
Cứ tháng 3 mà người quê chưa thấy những chùm hoa li ti, tim tím, trăng trắng, e ấp làm duyên làm dáng trong vườn, ngoài ngõ, trên chái bếp, trên những ngả đường làng khúc khỉu quanh co thì thấy thiêu thiếu, văng vắng như đánh mất một thứ gì tri âm, tri kỷ vậy.
Ai đó bảo rằng xoan là thứ hoa quê mùa cũng phải. Nhưng quê mùa theo đúng nghĩa của nó! Những cánh hoa mềm mại, xinh xinh. Xoan đẹp một vẻ tự nhiên, thuần khiết, mộc mạc và dung dị như người quê, như hồn quê.