Triển lãm tôn vinh vai trò của hai nhân vật xuất chúng là nhà văn Victor Hugo và kiến trúc sư Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc – những người có công lớn trong việc biến một nhà thờ xuống cấp trở thành một điểm đến nổi tiếng như ngày nay. Vào đầu thế kỷ 19, 500 năm tồn tại đã khiến nhà thờ bắt đầu xuống cấp và thậm chí có ý kiến đề nghị phá bỏ nó. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết "Notre-Dame de Paris" của Victor Hugo xuất bản năm 1831 đã gây tiếng vang lớn, tạo ra làn sóng công chúng ủng hộ tôn tạo nhà thờ. Lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết, kiến ​​trúc sư Viollet-le-Duc đã chỉ huy dự án trùng tu nhà thờ từ năm 1844 đến năm 1864.

Triển lãm được bố trí xung quanh khu vực khảo cổ của hầm mộ, nơi còn lưu lại tàn tích của các khu công sự hay phòng tắm cổ từ thời Gallo-Roman. Bà Sylvie Robin – quản lý tại khu hầm mộ chia sẻ: "Nhiều tư liệu trong số này lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng. Triển lãm nhắc nhở chúng ta về vị trí của nhà thờ trong trái tim người dân Paris và mọi người trên thế giới". Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu như ảnh, bản in, tranh vẽ, một số đoạn phim cũ và trình chiếu bộ phim Notre Dame Eternelle. Nổi bật nhất là bức tường gồm một loạt ảnh chụp và bản sao về nhà thờ trước, trong và sau giai đoạn tu sửa. 

 

Đây là phần đầu tiên trong quần thể nhà thờ mở cửa trở lại kể từ trận hỏa hoạn kinh hoàng hồi tháng 4/2019. Bản thân hầm mộ tuy không bị hư hại nhưng phải đóng cửa vì phải trải qua quá trình khử độc do ô nhiễm bụi chì. Toàn bộ nhà thờ dự kiến được khôi phục hoàn toàn vào năm 2024, trước khi Thế vận hội diễn ra tại Paris. Trước hỏa hoạn, mỗi năm nhà thờ đón tới 13 triệu lượt khách tham quan./.