Thủ đô London, Vương quốc Anh, là một trong những điểm du lịch thu hút khách du lịch ở châu Âu. Nơi đây xuất hiện muôn kiểu kiếm sống trên đường phố, từ ngửa tay xin tiền đến biểu diễn nhạc cụ. Trong ảnh, một "nghệ sĩ đường phố" mặc váy đặc trưng của Scotland thổi kèn túi gần tháp đồng hồ Big Ben. Người qua đường nếu cảm thấy thích thú hoặc muốn chụp ảnh sẽ thả tiền lẻ vào vali. |
Cách đó chỉ khoảng 20 m, ngay trên thành cầu Westminster, một người ăn xin trùm khăn kín mít, hóa trang thành một chú khủng long mua vui cho du khách qua đường để xin tiền. Theo thăm dò của chính quyền thành phố London, 7 trong số 10 người qua đường sẽ cảm thấy "tội lỗi" nếu họ đi qua một người ăn xin mà không dừng lại cho tiền. Trong khi 25% số người qua đường tin chắc rằng hành động này của họ là nhằm giúp đỡ "những người khốn khổ" có cái gì đó để ăn hoặc một chỗ để ngủ. |
10h30 hàng ngày, một người đàn ông dắt theo chú chó xuất hiện ngay cửa ga tàu điện ngầm Westminster, lấy đàn ra biểu diễn, không quên lấy nước cho bạn đồng hành và đặt một giỏ mây xin tiền phía trước mặt. Vài người đi qua mang cho chú chó một ít đồ ăn, bánh quy và thả vào giỏ vài đồng tiền lẻ. Người đàn ông từ chối chia sẻ về bản thân. Nếu muốn chụp ảnh, khách phải trả vài bảng Anh mới nhận được cái gật đầu. |
Một cuộc điều tra mới đây do Hội đồng quận Westminster thực hiện cho thấy, số tiền trung bình những người hành nghề ăn xin ở Westminster (khu vực trung tâm với nhiều điểm du lịch nổi tiếng và các cơ quan chính trị của Anh) kiếm được là 55 bảng/ngày - nhiều hơn thu nhập trung bình của một công nhân. |
Người ăn xin với bạn đồng hành là những thú nuôi từ lâu trở nên phổ biến, do nhiều người dễ động lòng với động vật. Năm 2013, một tờ báo của Anh đã vén tấm màn ăn xin của một người đàn ông 30 tuổi với một chú chó. Anh này có thu nhập khủng tới 1.300 bảng/tháng, và sống trong một căn nhà có giá 300.000 bảng (tương đương 10 tỷ đồng). |
Xin ăn và biểu diễn đường phố kiếm sống là hai trường hợp khác nhau hoàn toàn. Kẻ ăn xin thường lười lao động, không có nghề nghiệp và chỉ trông chờ vào tiền bố thí. Có nhiều kẻ còn vận trang phục màu rằn ri giống như người từng tham gia quân đội, cựu chiến binh hiện không còn nhà cửa để cầu mong lòng thương hại của người khác. |
Các nghệ sĩ biểu diễn đường phố thường là các sinh viên đang theo học các trường nghệ thuật hoặc có khiếu về nghệ thuật. Số tiền kiếm được chủ yếu cho chi phí học hành, tiền ăn ở, phí sinh hoạt... khi họ vẫn còn theo học trên giảng đường. |
Một nghệ sĩ xiếc tại khu phố cổ Edinburgh bắt đầu tiết mục đầu tiên của mình vào khoảng 13h, và kết thúc show diễn thứ 3 vào khoảng 20h. Anh chàng dùng rất nhiều đạo cụ đặc biệt như xích sắt cỡ lớn, còng tay, khoá, roi da... để thu hút khách dừng chân theo dõi. |
Hầu hết khách qua đường đều xem đến hết tiếc mục thoát ra khỏi đống xiềng xích. Mỗi lần như vậy, người nghệ sĩ đường phố này thu về trung bình khoảng hơn 100 bảng. |
Việc phát triển báo điện tử đã làm cho sự sống còn của báo giấy trở lên mong manh, khó tồn tại. Hiện trạng này có thể thấy rõ nhất tại nước Anh khi mà ở bất cứ ga tàu điện ngầm nào người ta cũng có thể bắt gặp những quầy báo phát miễn phí. Nhiều đơn vị phát hành còn thuê nhân viên đứng phát báo in cho người đi đường. |
Với mỗi giờ làm việc, nhân viên phát báo sẽ nhận được khoản thù lao kha khá (khoảng 6 -10 bảng). Tuy nhiên, số lượng báo cũng có giới hạn, và khung thời gian phát báo cũng giới hạn trong một vài tiếng, nên thu nhập mỗi ngày của họ cũng chỉ vài chục bảng. |
Trái ngược với những người kiếm sống bằng sức lao động thực sự lại có một số lượng khá lớn những kẻ ăn xin sức dài vai rộng ngồi một chỗ trên phố chờ bố thí của người qua đường. Trong ảnh là một thanh niên ngồi ăn xin trên tuyến phố du lịch nổi tiếng St Princes của Edinburgh. |
Tại một cửa ga tàu điện ngầm trên khu phố mua sắm Oxford sầm uất bậc nhất thủ đô London, hai thanh niên trẻ trùm chăn nằm ngủ trong góc tường với một phương thức ăn xin quen thuộc. Bên cạnh họ là chiếc cốc giấy cùng tấm biển ghi dòng chữ cầu xin người đi đường bố thí cho kẻ vô gia cư có đủ khoảng 15 bảng để có một chỗ trong nhà nghỉ, nơi mà họ có thể tắm rửa, ngủ một giấc tử tế sau đó họ sẽ kiếm tìm việc làm tự lo cho bản thân. |
Một cô bé gốc Á sau khi trò chuyện tâm sự cùng một người đàn ông trung tuổi ngồi ăn xin tại phố Oxford đã tặng cho người này một tờ 10 bảng. Người ăn xin xúc động, nắm chặt đồng bảng trong lòng bàn tay trái, dưng dưng bắt tay cảm tạ cô bé tốt bụng trước khi cô rời đi. Hầu hết ăn xin ở Anh là người Đông Âu, gốc Ấn..., rất hiếm có người châu Á. |