Anh có thể chia sẻ lý do tại sao anh lại đầu tư viết cuốn cẩm nang du lịch cao nguyên đá Đồng Văn này không?- Tôi yêu vùng đất này và viết ra nó cũng chính vì tình yêu được hun đúc trong suốt thời gian qua. Không biết từ khi nào tôi có cảm giác mình thuộc về nơi này.Dòng sông Nho Quế, Mã Pí Lèng, Sơn Vĩ, Phó Bảng…đã trở nên quen thuộc với tôi như bản thân tôi được sinh ra ở đó vậy. Dù đã đi rất nhiều lần, quen thuộc với các cung đường và bản làng nơi đây nhưng lúc nào tôi cũng muốn được trở lại.Mỗi năm tôi đều tranh thủ thời gian để lên Hà Giang, có thể chuyến đi kéo dài một tuần mà cũng có khi chỉ hai ngày cuối tuần. Mục đích là để tìm tòi địa điểm mới, hoặc đơn giản chỉ là thăm lại chốn xưa, ngồi ngắm nhìn các đỉnh núi mây phủ.

2_ambl.jpg
Hà Giang miền nhớ...

Như anh vừa nói, khi đọc cuốn sách có cảm giác như được viết ra bởi một người sinh ra và lớn lên tại đó chứ không phải một du khách, hẳn anh phải đầu tư rất nhiều công sức và tình yêu trong đó?- Quả đúng như thế, tôi bắt đầu lên ý tưởng cho cuốn “Hành trình cao nguyên đá” cách đây 6 năm sau khi đọc được một cuốn sách viết về vùng đất này của tác giả Đỗ Bích Thủy.Từ ấy tôi bắt đầu đi Hà Giang nhiều hơn, đặc biệt là khu vực cao nguyên đá Đồng Văn và không thể cưỡng lại trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ một miền đất biên thùy.Tôi đã tự tìm tòi, ghi chép lại tất cả những gì cần thiết trên quãng đường để cung cấp cho những ai có chung niềm đam mê. Hiện nay bạn thấy, ai đi đâu về cũng viết lại “review” chuyến đi của mình rồi chia sẻ lên mạng nên chúng ta bị bủa vây trong cơn bão thông tin, không biết chỗ này tốt hay chỗ kia tốt. Tôi muốn thống nhất lại một nguồn đáng tin cậy để mọi người tiện tham khảo.

Cảnh sinh hoạt của bà con dân tộc giữa hoang mạc đá.

Bên cạnh mong muốn truyền tình yêu của mình với Hà Giang cho các bạn trẻ để thu hút du khách đến với vùng đất này hơn, anh có sợ rằng Hà Giang sẽ không còn giữ được vẻ hoang sơ vốn có mà biến thành một “Sa Pa thứ hai” không?

- Có chứ, tất nhiên là tôi lo lắng và quan tâm đến vấn đề này. Sa Pa đã trở thành một điểm du lịch mang tính thương mại, nhiều vùng không còn giữ được nét văn hóa dân tộc vùng cao vốn có nữa.

Trong dịp trò chuyện với lãnh đạo Sở Du lịch về định hướng phát triển cho Hà Giang, tôi rất vui khi được biết sắp tới một tập đoàn của Mỹ sẽ đầu tư vào đây để thúc đẩy du lịch. Tôi cũng đã góp ý kiến của mình để làm sao Hà Giang sẽ có con đường đi riêng của mình chứ không bị biến thành một “Sa Pa thứ hai”.

Cảnh sắc hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Anh đã góp ý những gì vào định hướng phát triển du lịch cho vùng đất này?

- Đầu tiên là phải cho nhân dân những khu vực có tiềm năng du lịch nhận thức được họ đang có trong tay thứ gì và họ sẽ thu lợi được gì từ du khách. Ví dụ, họ trồng hoa tam giác mạch, họ dệt lụa làm đồ thổ cẩm thì khi du khách đến đây chụp ảnh, tham quan sẽ phải trả tiền.

Như vậy bà con vừa có nguồn thu mà du khách cũng biết cách mà trân trọng sản phẩm của họ hơn. Đôi bên cùng có lợi thì sẽ chấm dứt được việc trẻ con hay bà con dân tộc xin tiền du khách như tình trạng đang diễn ra tại Sa Pa.

Tiếp theo là chính quyền địa phương phải biết lắng nghe người dân và chú trọng hơn nữa đến chính vùng đất của mình. Những chỗ nào có thể khai thác được du lịch và triển vọng lớn thì nên đưa vào quy hoạch và quảng bá rộng rãi hơn nữa, tránh tình trạng bỏ sót và chỉ đến khi các phượt thủ hoặc Tây ba lô tìm tới thì mới quan tâm.

Thưởng thức rượu giữa phiên chợ vùng cao.

Đã có đơn vị nào mong muốn được dịch cuốn cẩm nang du lịch này của anh ra tiếng nước ngoài để phục vụ khách quốc tế không?

- Trên Hà Giang cũng có ý kiến sẽ dịch cuốn sách này ra tiếng Nhật để phục vụ một số tour du lịch của phía Nhật Bản đến Hà Giang.

Tôi nhận thấy với những ai đi du lịch đều tìm đến các cuốn sách “Lonely Planet” (một cẩm nang du lịch chi tiết về bất kỳ quốc gia nào trên thế giới). Vậy tại sao người Việt chúng ta lại không viết được một cuốn sách “Lonely Planet” cho chính nước mình mà phải để người nước ngoài họ viết hộ.

Tôi hy vọng sắp tới sẽ có nhiều cuốn sách như thế này, và nếu được thì sẽ dịch ra tiếng nước ngoài để phục vụ du khách không chỉ trong nước mà còn hướng đến bạn bè quốc tế, nhằm quảng bá du lịch Việt Nam nhiều hơn.

Là tác giả của cuốn sách “Bước chân Việt Nam - Bốn cực một đỉnh” nổi tiếng trong giới phượt thủ, và giờ là cuốn “Hành trình cao nguyên đá”, trong thời gian tới anh đã lên ý tưởng viết và giới thiệu cuốn sách nào nữa không?

- Tôi cũng muốn được viết thêm nhiều hơn nữa nhưng để ra được một cuốn sách phục vụ độc giả rất kỳ công và vất vả. Tôi viết sách không phải là để bày tỏ cảm xúc cá nhân mà là cung cấp thông tin để mọi người xây dựng chuyến đi, điểm đến nên mọi thứ đều phải chính xác.

Trong tương lai tôi cũng sẽ cố gắng để cho ra mắt độc giả những cuốn sách tiếp theo về các miền đất trên Tổ quốc mình.Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện./.