Tốc độ phát triển của ngành du lịch đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây cũng là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, đáp ứng nhu nhu cầu của ngành du lịch và xã hội.
Nhà giáo nhân dân, GS.TS.Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo của Hiệp hội Du lịch nhận định: "Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, nguồn nhân lực du lịch phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Sinh viên cần được cung cấp cả hiểu biết, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ thực tế, văn hoá giao tiếp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo phải kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị chất lượng cao như khách sạn 4-5 sao để vừa đào tạo đúng nhu cầu, vừa nâng cao chất lượng nhân lực".
Sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch đã được thực hiện tương đối tốt trong thời gian gần đây, thông qua việc doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo như tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tại sự kiện tiếp nhận sinh viên khoa Du lịch - Khách sạn đến thực tập trong hệ thống Marriott International, TS.Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cùng với du lịch thế giới thì ngành du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng tăng trưởng trở lại và cần thêm hàng triệu lao động. "Hơn 30.000 cơ sở lưu trú và hàng loạt tổ hợp tiếp tục được đầu tư trên cả nước sẽ thu hút số lượng lớn lao động ngành khách sạn. Các khách sạn 5 sao là môi trường tốt để sinh viên học tập, trau dồi kiến thức, đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong tương lai".
Tiếp nhận sinh viên đến thực tập, bà Vũ Thị Mai – Giám đốc Nhân sự khách sạn Sheraton Hà Nội cho biết: Khách sạn cung cấp các chương trình thực hành cho sinh viên ngay từ năm nhất, đào tạo để sinh viên có thể thi lấy chứng chỉ nghề quốc tế. Trong môi trường chuyên nghiệp, sinh viên được học quy trình đúng tiêu chuẩn 5 sao, từ phục vụ bữa ăn, bữa tiệc trong nhà hàng, thao tác đón khách lưu trú cho đến kiến thức chuyên sâu hơn như kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, tham gia vận hành dự án…
"Trước kia đào tạo du lịch thường bị nặng nề về lý thuyết vì chưa có điều kiện cơ sở vật chất và kết nối chưa tốt, bây giờ nhà trường và doanh nghiệp phải làm tốt hơn, nhiều chương trình thực hành hơn, ngoại ngữ tốt hơn và thậm chí là tiếp tục đào tạo ở nước ngoài. Sinh viên được trải nghiệm, thực hành, được truyền cảm hứng và nâng cao thái độ về nghề từ năm nhất thì có thể làm việc tốt ngay sau khi ra trường. Tất cả điều này sẽ nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam" - GS.TS Nguyễn Văn Đính cho biết thêm./.