Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến đóng góp trong việc xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh để khai thác tiềm năng thế mạnh một cách tốt nhất tại vườn quốc gia này.

vov__dinh_bach_ma_tinh_thua_thien_hue_ucrr.jpg
Đỉnh Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế

Công ty Wimberly Allison Tong & Goo-Hoa Kỳ là đơn vị tư vấn quy hoạch về các phân khu du lịch Bạch Mã. Đại diện công ty này đã trình bày đề án khu du lịch trên diện tích 400 ha, gồm 2 khu.

Theo đó, khu A là trạm cơ sở ở khu vực Khe Su nằm ở dưới chân núi Bạch Mã thuộc thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc với diện tích gần 100 ha. Khu này ngoài nơi tiếp đón khách du lịch còn là nhà ga cáp treo, dịch vụ trong nhà, công trình phụ trợ...

Khu B với diện tích 300 ha, nằm trên đỉnh Bạch Mã thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã đã được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái. Tại khu này được phân ra thành các phân khu khác nhau, bao gồm: làng trung tâm là cửa ngõ hành trình du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng sinh thái, mua sắm; Làng di sản bên triền đồi kết hợp với các công trình biệt thự Pháp cổ được trùng tu; làng đỉnh núi là mô hình một phố núi độc đáo, tận dụng toàn bộ ưu thế về tầm nhìn rộng, đường dạo kết nối thẳng đến ga cáp treo và dường giao thông; làng tâm linh sẽ tạo ra hành trình tâm linh qua rừng cùng các yếu tố tâm linh tôn giáo.

Ngoài ra còn có khu du lịch sinh thái thung lũng thác nước với điểm nhấn là thác Đỗ Quyên và phân khu cảnh quan tự nhiên. 

Tại khu B thì mật độ xây dựng đối với đất thương mại dịch vụ sẽ dưới 20%, đất du lịch văn hóa dưới 10%, đất du lịch tâm linh nhỏ hơn 5%, đất du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng dưới 13%... Tại đây sẽ xây dựng hàng loạt công trình như villa, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng... với chiều cao từ 2 tầng trở xuống.

Ngoài tuyến đường bộ sẵn có, đơn vị tư vấn cũng đưa ra phương án sẽ xây dựng 2 tuyến cáp treo, trong đó tuyến số 1 kết nối từ khu A đến làng trung tâm ở khu B với chiều dài 4km; tuyến số 2 là từ đây xuống khu vực Ngũ Hồ, dài 1,6 km. Công suất tốt đa là 1.750 hành khách/giờ.

Góp ý về quy hoạch này, kiến trúc sư Lã Thị Kim Ngân, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: "Phải cân nhắc rất kỹ về quy mô của các chức năng, tôi đề nghị phải rà soát lại quy mô của khu lưu trú, đặc biệt là phần nghỉ dưỡng và khách sạn. Thứ hai nữa là quy mô của khu vực tâm linh rất lớn và hoạt động tâm linh ở đây thì dừng lại, một là chúng ta tham quan khu vực chùa hiện hữu và có thể hướng đến khu vực có thể kết hợp với du lịch tham quan chứ không thể tổ chức những lễ hành hương lớn hàng nghìn người hay là hơn nữa."

Kiến trúc Sư Lã Thị Kim Ngân, Hội kiến trúc sư Việt Nam tại hội thảo.
Theo định hướng quy hoạch Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã sẽ tiếp nhận khoảng 1 triệu khách mỗi năm, trong đó khách lưu trú chiếm 30%. Nhiều đại biểu cho rằng, cần tính toán kỹ kiến trúc các công trình ở Bạch Mã, nếu không phù hợp sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Nhà Nguyên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất: "Quan trọng nhất của Bạch Mã là trong quy hoạch này phải nói rõ định hướng về kiến trúc. Ví dụ có thể đây là kiến trúc gắn liền với cảnh quan, gắn liền với các loài cây bản địa, gắn liền với các loài hoa ôn đới mà có thể phát triển ở Bạch Mã  này chẳng hạn. Phải tạo ra sự khác biệt của nơi khác, mới tạo ra sự hấp dẫn."

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến đề nghị muốn phát triển khu du lịch sinh thái tâm linh dựa trên thế mạnh của Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế phải triển khai hết sức thận trọng. Đặc biệt, là phải có giải pháp tốt trong bảo tồn thiên nhiên ở khu vực này cũng như mật độ xây dựng bố trí cho phù hợp.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Đây là khu lịch nghỉ dưỡng sinh thái rất đặc biệt, các công trình xây dựng ở đây cần phải chú ý bảo vệ môi trường sinh thái.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nêu rõ: "Đây là khu du lịch sinh thái và độ cao 1.450 mét là rất cao, tiếp cận lên bằng đường giao thông thì người Pháp đã làm rồi. Nếu chúng ta tiếp tục làm đường giao thông theo tuyến đường ấy thì chúng ta phải mở rộng thêm 2-3 làn xe... nếu như thế thì phá vỡ cảnh quan không gian rất nguy hiểm. Do đó đường hiện nay theo tôi cải tạo lại để một số nhóm du lịch đi theo kiểu mạo hiểm, nhưng cáp treo vẫn là phương án giao thông du lịch miền núi đúng đắn nhất, ít ảnh hưởng đến tất cả những loại cây cối, sinh vật mà khách được thưởng thức cảnh quan thiên nhiên."./.