Nhiều người khi nhắc tới con đường vượt biển nổi tiếng đều nghĩ ngay đến "thần tích" tìm về vùng đất Thánh của người Do Thái do nhà tiên tri Moses dẫn đầu. Trong truyền thuyết, khi bị quân đội Ai Cập truy đuổi, Moses đã dùng quyền năng tạo ra con đường đất xuyên biển Đỏ để giải cứu dân tộc mình.
Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng những con đường như thế chỉ xuất hiện trong thần thoại. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại: trên thế giới hoàn toàn có một địa điểm giống như vậy. Đó chính là con đường đất đá rộng lớn nối liền hai hòn đảo Jindo và Modo ở Hàn Quốc cùng hiện tượng biển tách làm đôi đầy bí ẩn và hấp dẫn. Con đường giữa biển khơi bao la này dành phần lớn thời gian trong năm ngủ say dưới đại dương sâu thẳm. Tuy nhiên cứ hai đến ba lần một năm (thường vào khoảng tháng 3 và tháng 6), nó lại nhô lên mặt nước và trở thành điểm du lịch hút khách bậc nhất Hàn Quốc.
Theo tiết lộ của người dân địa phương, con đường có chiều dài khoảng 2,9 km và rộng khoảng 40 m. Những ngày xảy ra hiện tượng biển tách làm đôi để lộ ra con đường giữa biển, nơi đây lại đón hàng trăm nghìn lượt du khách ghé thăm. Họ cùng nhau đi trên con đường kỳ ảo, thong thả ngắm cảnh vật, chụp ảnh lưu niệm hay thậm chí là bắt sò, ốc, rong biển... mà không hề sợ hãi việc con đường bị sụt xuống hay xảy ra bất trắc gì.
Con đường kỳ lạ cùng hiện tượng vô cùng thú vị của tự nhiên này trở thành kho báu bí mật của Hàn Quốc cho đến năm 1975, Pierre Randi - vị đại sứ Pháp lúc bấy giờ - trải nghiệm cảm giác trông thấy biển chia làm đôi. Ông đã mô tả lại những điều trông thấy trên một tờ báo Pháp và gọi con đường này là "phép lạ của Moses". Câu chuyện của Pierre thời đó đã gây ra nhiều tranh cãi nảy lửa trong giới khoa học cũng như người dân ở châu Âu.
Nhiều người lúc đó coi Pierre là kẻ nói dối. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi các nhà khoa học Pháp tới Hàn Quốc nhằm "vạch trần" Pierre. Cuối cùng, chính họ tận mắt chứng kiến hiện tượng độc nhất vô nhị này và phải thừa nhận sự tồn tại của con đường giữa biển.
Lý do đến tận năm 1975 hiện tượng biển tách làm đôi mới được dư luận thế giới biết đến là người dân bản địa đã quen với điều này. Họ quá tin vào một truyền thuyết cổ xưa nên cảm thấy đây là một điều hoàn toàn bình thường và không có gì phải gây ồn ào hay cần thông báo cho tất cả mọi người biết.
Theo truyền thuyết của người Hàn Quốc, thời xưa đảo Jindo người dân thường bị hổ dữ quấy phá. Chúng vào làng và ăn thịt người dân. Trước tình cảnh đó, mọi người phải bỏ chạy sang đảo Modo. Bà lão tội nghiệp Bbyong là người duy nhất còn sót lại trong chuyến di cư đó.
Trong những ngày sống ở đảo Jindo cùng nỗi sợ hãi hổ dữ, Bbyong ngày đêm cầu nguyện thần biển cứu giúp. Động lòng trước hoàn cảnh tội nghiệp của người phụ nữ, thần biển Yongwang đã báo mộng sẽ có "cầu vồng trên biển" giúp bà chạy thoát.
Sáng hôm sau, điều kỳ diệu đã xảy ra khi Bbyong ra tới biển. Nước bỗng rẽ làm đôi và một con đường xuất hiện giữa lòng đại dương bao la. Nhờ con đường nối với đảo Modo này mà bà lão đã được đoàn tụ cùng gia đình.
Ngày nay, những người dân Hàn Quốc vẫn kể cho con cháu đời sau và du khách về câu chuyện thần thoại này. Tuy nhiên, trong mắt các nhà khoa học truyền thuyết là bằng chứng không bao giờ đủ sức thuyết phục. Theo Kevan Moffet - giáo sư dự khuyết chuyên ngành khoa học địa chất tại đại học Texas, Mỹ thủy triều chính là một trong những nguyên nhân tạo ra hiện tượng mặt biển chia đôi./.