yt_1_vov_hqgu.jpg
Danh sơn Yên Tử trong tâm thức người Việt luôn có một vị thế tâm linh không thể thay thế. Con đường hành hương quen thuộc nhất những ngày đầu xuân là theo phía Đông non thiêng tại Khu du tích và danh thắng Yên Tử thuộc TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh – nơi gắn liền với hành trình tu hành, hóa Phật của Đức vua Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm cách đây 700 năm.
Sau khi “trình lễ” tại Chùa Bí Thượng – Chùa Trình, hành trình của du khách sẽ theo dấu chân nghìn năm của những bậc thiền sư từng tu hành, thành đạo tại Yên Tử. Đón khách là các ngôi chùa gắn với truyền thuyết về Phật hoàng, Chùa Suối Tắm – nơi vua dừng chân rũ sạch bụi trần, Chùa Cầm Thực – bắt đầu dùng nước suối thay cơm.
Ngay dưới chân núi là Chùa Giải Oan, tựa bên dòng suối róc rách như tiếng nhạc Thiền. Ngôi chùa gắn với câu chuyện các cung tần mỹ nữ đi theo khuyên can Vua trở về kinh đô nhưng không thành, bèn trầm mình xuống dòng suối.
Trước khi lên núi, du khách như được ngược dòng thời gian tại làng Nương – một ngôi làng tái hiện không gian văn hóa Việt thời Trần. Làng Nương cùng với Cung Trúc Lâm, Tuệ Tĩnh đường, Bảo tàng Phật hoàng hay khu nghỉ dưỡng là những công trình đầu tư quy mô, mở rộng các sản phẩm du lịch cho Yên Tử.
Từ đây có thể thấy đỉnh thiêng Yên Tử cao vời vợi, ẩn khuất trong mây mù trắng xóa giữa trùng điệp núi non. Ngoài con đường hành hương truyền thống dài khoảng 6km qua hàng ngàn bậc đá, du khách có thể sử dụng 2 tuyến cáp treo hiện đại, ngắm toàn cảnh đại ngàn rừng núi từ trên cao.
Con đường tuy dài nhưng lại hết sức nên thơ khi khách bộ hành bước dưới những tán cây hơn 700 năm. Đó là rừng Trúc, đường Tùng với những cây xích tùng uy nghiêm, trầm mặc, tán tỏa rộng như chiếc lọng rợp cửa Phật.
Qua khu tháp Hòn Ngọc, lên lưng chừng núi, khách ngỡ ngàng như bắt gặp những tháp đá rêu phong. Vườn tháp Tổ giữa những tán đại cổ thụ là nơi lưu giữ 64 mộ tháp cổ kính.
Trung tâm của vườn là Tháp Huệ Quang, nơi đặt xá lỵ của Phật hoàng, quanh năm khói hương thành kính.
Những ngày xuân, khách đến Yên Tử chật như nêm. Theo những bậc đá cao ngất, dòng người hành hương cứ chậm rãi nối nhau.
Trên độ cao 600m là chùa Hoa Yên – chùa chính của cả hệ thống chùa trên Yên Tử. Quần thể kiến trúc quy mô với địa thế uy nghiêm, hùng vĩ tọa lạc nơi lưng núi khiến Hoa Yên là điểm chiêm bái không thể thiếu.
Tương truyền tại đây Đức Phật hoàng đã truyền yếu kỷ của Thiền phái Trúc Lâm cho các đệ tử, Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái…
Càng lên cao, những ngôi chùa càng tựa lưng giữa vách đá cheo leo. Chùa Một Mái, Vân Tiêu, Bảo Sái, am Ngự Dược, am Thung đều thấp thoáng trong mây như chốn bồng lai, tựa như những câu thơ thiền của Phật hoàng: Ngủ dậy ngỏ song mây/ Xuân về vẫn chưa hay/ Phất phơ đôi bướm trắng/ Phấp phới cánh hoa bay.
Cách đỉnh núi không xa, Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông hiện lên uy nghi, tĩnh tại trong mây trắng. Đây là pho tượng đồng Phật Hoàng lớn nhất Việt Nam và là bức tượng bằng đồng nguyên khối lớn nhất châu Á.
Chùa Đồng trên đỉnh núi 1068m là ngôi chùa cao nhất ở Yên Tử, đúc từ 70 tấn đồng. Với địa thế hiểm trở, du khách, Phật tử luôn phải chen chân để hành lễ, chiêm bái tại đây.
 
Mỗi năm Yên Tử đón hàng triệu khách hành hương. Chỉ tính riêng 7 ngày Tết vừa qua đã có hơn 180.000 lượt khách về vãn cảnh, bái Phật.
Năm nay cũng là năm đầu tiên chính thức kết nối đón du khách từ phía Tây Yên Tử trên địa phận tỉnh Bắc Giang sang tham quan chùa Đồng, tạo nên tính liên thông của toàn thể hệ thống di tích.
Lễ hội xuân Yên Tử sẽ khai hội vào ngày 10 Tháng Giêng âm lịch (14/2) và kéo dài suốt 3 tháng đầu xuân, tiếp nối sẽ là Lễ hội Hoa anh đào – Mai vàng Yên Tử từ ngày 9-17/3, nơi du khách được chiêm ngưỡng Đại lão mai vàng - loài hoa độc đáo của đất Phật linh thiêng.