Molly McHugh, một cây viết của tờ The Ringer trong một bài viết mới đây, đã chia sẻ những kỷ niệm của cô với hai địa danh du lịch nổi tiếng là Little North Fork và Three Pools, nằm ở ngoại ô tiểu bang Oregon, Mỹ. Theo đó, hai địa danh nằm cách không xa nơi Molly sinh ra và lớn lên.
Từ những ký ức tuyệt đẹp cho đến hiện thực phũ phàng
Hồi còn bé, Molly cùng bạn bè thường lái xe trên những con đường đầy sỏi và bụi đất, sau đó họ cùng trèo đèo, lội suối. Khi ấy địa danh còn vô cùng hoang sơ, khiến họ thậm chí phải buộc dây thừng vào nhau để vượt qua những đoạn địa hình hiểm trở. Sau khi đã vắt kiệt sức để leo qua những ngọn núi, và đặt chân lên ngọn suối ở thượng nguồn, Molly cùng bạn bè thỏa sức đắm chìm trong dòng nước mát lạnh, trong vắt, giống như một quà tặng của thiên nhiên.
Đây là những hồi ức đẹp nhất thời thơ ấu, thứ mà Molly sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để lại được trải nghiệm cùng với bạn bè và gia đình. Khoảng 2 năm trước, khi Molly ghé lại ngôi nhà, thị trấn nhỏ nơi cô lớn lên sau nhiều năm đằng đẵng công tác xa nhà; điều đầu tiên nảy lên trong tâm trí Molly, đó là cùng gia đình đóng gói đồ đạc, và hướng tới hai địa danh quen thuộc là Little North Fork và Three Pools.
Thế nhưng mọi thứ đã đổi khác khi cô đặt chân tới mảnh đất vốn tràn đầy kỷ niệm và hồi ức xưa. Những còn đường đất đầy sỏi đá gồ ghề nay đã được trải nhựa. Những chiếc xe ô tô rải rác bên đường quốc lộ nay đã được đỗ ngay ngắn trong một khu trạm nghỉ; mà theo Molly thuật lại là có khoảng gần 100 chiếc xe.
Một người đàn ông đứng tuổi, có lẽ là nhân viên bảo vệ tới trước cửa kính xe của Molly và thông báo: "Xin lỗi, hiện đã hết chỗ để xe. Khu vực du lịch cũng đã bán hết vé". Ông cho biết, gần đây thường xuyên có khoảng 300 khách du lịch mỗi ngày thường xuyên lui tới con suối vào các kỳ nghỉ cuối tuần. Hình tượng cảnh quan du lịch hoang sơ, tràn ngập không khí trong lành bấy giờ nay chỉ để lại dấu ấn của hàng trăm người chen lấn nhau, rác thì vứt khắp mọi nơi, dòng suối cũng không còn trong vắt như xưa.
"Một vài tạp chí hay các trang web đã xuất bản các câu chuyện viết về địa danh này", người bảo vệ cho biết. "Và sau đó, dường như nó đã nổ tung bởi hàng trăm lượt khách đổ tới". Khi nghe được câu chuyện của Molly, ông đã chia sẻ về một khu hồ bơi tự nhiên cũng ở gần đó, bên kia cây cầu đã bỏ hoang - và dường như là nơi duy nhất trong khu vực chưa được phát hiện bởi khách du lịch.
"Xin đừng nói cho ai biết về nơi đó", một nụ cười đầy lo lắng xuất hiện trên khuôn mặt người đàn ông khắc khổ, "Tôi vẫn thường lui đến nơi đó vào cuối giờ nghỉ trưa mỗi ngảy."
Facebook, Instagram và mặt trái của nó
Sau khi trở về, Molly tìm kiếm trên Internet, và không quá khó để thấy những bức hình của địa danh này được đăng tải một cách rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, trên Instagram. Điều đáng nói là những bức ảnh đều được chụp một cách công phu, với góc độ và tính nghệ thuật cao. Đi kèm với đó, còn có những #Hashtag và lời giới thiệu hấp dẫn. Và nó đã thành công trong việc kéo thêm khách du lịch tới đây.
Công bằng mà nói, các phương tiện truyền thông và Instagram không phải là những công cụ đầu tiên khám phá ra các địa danh, thậm chí là các kỳ quan thiên nhiên lộng lẫy. Nhưng nó đã vô tình trở thành một "hướng dẫn viên du lịch" không thể tuyệt vời hơn khi đã lan truyền, và kéo thêm khách du lịch tới.
Khi một địa danh mới được phát hiện, sẽ mất bao nhiêu lâu để nó còn giữ được vẻ thuần khiết, không khí trong lành và giữ được những giá trị vốn có của mình? Và sẽ còn bao lâu nữa khi mọi ngõ ngách của hành tinh này đều được phát hiện sau khi nó được tag thẻ địa lý, và đăng tải trên Instagram?
Đây có vẻ là những câu hỏi phi lý, nhưng nó thực sự không quá xa so với thực tế. Mọi thứ đều có thể xảy ra, nếu như là quá dễ dàng để bạn nói với thế giới chính xác điểm đến của mình. Tất nhiên, sẽ chẳng có vấn đề xảy ra nếu như khách du lịch chỉ đơn thuần là tới để thưởng thức cảnh đẹp.
Kỳ quan du lịch là những viên ngọc quý, nhưng đang bị phá hủy từng ngày
Theo con số thống kê của Associated Press, số lượng khách du lịch tại các vườn quốc gia đã tăng 26% trong thập kỷ qua. Báo cáo cho biết chỉ riêng vào tháng 7, đã có hơn 11.000 sự cố phá hoại xảy ra tại 10 công viên được tham quan nhiều nhất. Trong năm 2015, báo cáo từ cục kiểm lâm Mỹ cho thấy lượng khách tới các khu bảo tồn thiên nhiên tăng khoảng 20% so với năm 2014, dẫn theo khoảng 52.000 sự cố ảnh hưởng đến di tích.
Điều đáng nói là bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy sự khó chịu của những khách du lịch, hoặc có thể là của những tổ chức đứng ra "quản lý" khu du lịch - khi họ vẫn còn đón nhận những lượt khách và doanh thu tăng cao từ dịch vụ dành cho khách du lịch. Nỗi ám ảnh có chăng chỉ xảy đến đối với người dân địa phương.
Zach Urness, một cư dân bản địa tại vùng Oregon ví các địa danh trong vùng như những "viên ngọc quý" vào những thập niên 70. Thế nhưng giờ đây ông cho biết chúng giống như một "món hàng", được đưa ra kinh doanh và thương mại hóa, rồi sau đó bị hủy hoại mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm.
Molly McHugh đã chia sẻ trong bài viết của mình trích dẫn từ Miranda Leconte, một cựu nhân viên của tổ chức bảo vệ khu du lịch Desolation Wilderness rằng cô luôn đứng giữa ranh giới của việc phải giữ bí mật, và chia sẻ những cảm xúc của mình.
Tài khoản Instagram của Miranda từng thu hút hơn 18.000 lượt theo dõi, chủ yếu vì cô thường chia sẻ các địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên sau hơn 3 năm làm việc trong tổ chức, và được tiếp cận với nhiều điểm đến, Miranda cuối cùng đã nhận ra giá trị đích thực của các kỳ quan thiên nhiên, đồng thời nói rằng "chúng không nên được biết đến bởi một vài nhóm người".
Từ đó, Miranda bắt đầu giữ lại một vài khu vực du lịch hoang sơ cho riêng mình và một nhóm bạn thân thiết. "Tôi chụp ảnh rất nhiều, và thường xuyên phải kiềm chế cảm xúc để không chia sẻ chúng trên mạng xã hội", Miranda cho biết. "Cuối cùng, tôi đã xóa chúng đi. Chỉ đơn giản là vì các địa danh này quá đặc biệt đối với tôi."