Năm 2015, du lịch Việt Nam đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen. Trải qua giai đoạn khó khăn tiếp nối từ cuối năm 2014, lượng khách quốc tế sụt giảm trong suốt chuỗi thời gian 13 tháng (từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2015). Phải đến quý IV của năm 2015, đà sụt giảm mới dừng và khách quốc tế tăng trưởng dương trở lại.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Du lịch năm 2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 được tổ chức ở 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sáng 30/12, PV VOV.VN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về du lịch Việt Nam năm 2015 và những bước đi mới của ngành trong năm 2016.

img_9041_orym.jpg
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh (giữa), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và ông Nguyễn Văn Tuấn (ngoài cùng bên phải).

PV: Xin ông cho biết những dấu ấn mà ngành du lịch Việt Nam đã đạt được trong năm 2015, những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển du lịch?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2015 có thể nói là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch. Nhưng cũng chưa bao giờ ngành du lịch nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt và hiệu quả như trong năm vừa qua. Ngoài ra còn có sự phối hợp, sự đồng thuận của các Bộ, Ngành và sự vào cuộc của các địa phương, nhất là các địa bàn du lịch trọng điểm.

Trong nước, chúng ta đã bước đầu có được những điều kiện thuận lợi do hệ thống đường cao tốc và hạ tầng được cải thiện. Nhận thức của xã hội về du lịch đã có những chuyển biến quan trọng. Nhưng những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến thị trường nguồn quốc tế trọng điểm của chúng ta cũng đã làm cho ngành du lịch phải đối mặt với sự suy giảm tiếp theo 7 tháng cuối năm 2014.

Dấu ấn mà ngành du lịch đạt được trong năm 2015 có thể nói có 4 điểm nổi bật. Thứ nhất, chúng ta đã chặn được đà suy giảm, phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng để chuẩn bị bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Thứ hai, đây là một năm có dấu ấn của sự chỉ đạo và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ; Chỉ thị số 14/CT-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách này bước đầu đã phát huy được vai trò và đi vào cuộc sống. Thứ 3, 2015 cũng là một năm mà hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở kỹ thuật của ngành du lịch đã được tăng cường đáng kể, đặc biệt là các dự án đầu tư có quy mô lớn vào lĩnh vực du lịch do các tập đoàn lớn thực hiện như Vin Group, Sun Group, FLC, Tuần Châu, Mường Thanh… và một số doanh nghiệp khác. Cùng với sự xuất hiện của các thương hiệu khách sạn lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Thứ tư, hoạt động quảng bá, xúc tiến của chúng ta chưa bao giờ được triển khai rộng khắp, có quy mô lớn, huy động được các nguồn lực, đem lại hiệu quả trong năm vừa qua.

Những dấu ấn đó, có thể nói rất quan trọng, không những góp phần chặn đà suy giảm khách quốc tế, tăng trưởng khách nội địa, mà còn tạo ra nền tảng, tiền đề để chúng ta bước vào một thời kỳ phát triển mới, bước vào năm 2016 với những điều kiện và những cơ hội mới.

PV:Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục Du lịch đã đề ra để các địa phương, các công ty du lịch thực hiện trong năm 2016?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Định hướng 2016 đối với hoạt động của ngành du lịch, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo chúng tôi phải  tận dụng các cơ hội để thúc đẩy khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, duy trì được đà tăng trưởng của khách du lịch nội địa cũng như tổng thu từ khách du lịch. Thứ hai, chúng ta phải tập trung cao độ cho các hoạt động và các lĩnh vực liên quan đến quản lý Nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Cải thiện một bước đáng kể môi trường du lịch. Thứ ba, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thích ứng và hội nhập sâu hơn nữa, khi mà cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức hình thành, khi chúng ta đã ký kết và tham gia TTP, mang lại cho chúng ta những cơ hội rất lớn, đồng thời cũng đặt chúng ta trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 2016 là chúng tôi phấn đấu để đón được ít nhất 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng khoảng 6% và duy trì được mức độ khách du lịch nội địa khoảng 60 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt khoảng 370 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, tập trung xây dựng Luật du lịch sửa đổi để báo cáo lãnh đạo Bộ VHTT&DL, trình Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ báo cáo trình Quốc hội. Tiếp tục tập trung cao độ cho công tác thực hiện những nội dung của Nghị quyết 92/NQ-CP về 1 số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; chỉ thị 14/CT-TTg về an ninh an toàn, khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động quảng bá xúc tiến và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển sản phẩm, đầu tư cơ sở vật chất và dịch vụ. Tăng cường công tác liên kết vùng. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang có những vận hội mới, nhưng cũng có nhiều thách thức, nhiều khó khăn mà ngành du lịch cần phải đồng tâm nhất trí, tận dụng các cơ hội đó để đưa ngành du lịch Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Du lịch Việt Nam dự kiến đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016.

PV: Mục tiêu đón 8,5 triệu khách du lịch quốc tế trong năm tới, Tổng cục Du lịch đã hướng các doanh nghiệp vào những thị trường quốc tế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Chúng tôi đã xác định 3 nhóm thị trường trọng điểm đầu tiên. Một là thị trường khu vực Đông Bắc Á, chiếm khoảng 45-50% thị phần khách quốc tế của chúng ta. Thứ hai, là khu vực thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ. Mặc dù số lượng chưa phải là lớn, khoảng 1,5 triệu, nhưng đây là thị trường rất quan trọng, có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày và đã được Chính phủ miễn VISA cho rất nhiều quốc gia.

Khu vực thứ ba là ASEAN- thị trường gần chúng ta và có thể mang lại cho chúng ta sự tăng trưởng nhanh về mặt số lượng và đang có sự kết nối thuận lợi khi chúng ta gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Một số thị trường nguồn mà chúng tôi cũng đã bắt đầu coi trọng như thị trường Ấn Độ, Australia và New Zealand, và một số thị trường ở Trung Đông chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm để thúc đẩy.

PV:Xin cảm ơn ông!./.