Du lịch Việt Nam vừa có một năm phải đối mặt với nhiều thách thức khi bị đem so sánh với du lịch Lào, Campuchia về sự tiến bộ, liên tiếp bị phàn nàn về tình trạng chặt chém du khách mùa cao điểm, bỏ lỡ hàng loạt cơ hội quảng bá thông qua những bộ phim bom tấn trên thế giới quay tại những địa danh nổi tiếng… Thậm chí Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong cuộc họp tổng kết của ngành Văn hóa cuối tuần qua cũng phải thốt lên rằng tại sao giữa Thủ đô mà lại có những khách sạn 4 sao vừa bẩn vừa tồi tàn đến thế.
Đó cũng là nguyên nhân vì sao trong năm nay, ngành du lịch đã không đạt được mục tiêu 8,5 triệu lượt khách quốc tế và 41 triệu lượt khách nội địa đã đặt ra. Thay vào đó là con số dương sít sao là 7,94 triệu lượt khách quốc tế so với 7,87 triệu lượt khách quốc tế năm 2014. Nhiều nhà quản lý thẳng thắn cho rằng, cứ cái đà này, ngành Du lịch Việt Nam không lỗ là may.
Du khách quốc tế trải nghiệm cảm giác tự tay chế biến ẩm thực địa phương ở Trà Quế, Hội An. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+). |
Mặc dù có bề dày 55 năm, nhưng dường như những bề bộn của ngành Du lịch cũng còn nhiều như số tuổi của mình vậy. Vẫn là những yếu kém về năng lực cạnh tranh, sản phẩm không mới lạ, hấp dẫn, tình trạng chặt chém khách trong mùa cao điểm xảy ra thường xuyên, môi trường du lịch mất an toàn và thiếu kiểm soát… Những vấn đề không mới nhưng để giải quyết cũng không phải đơn giản.
“Bao giờ Du lịch Việt Nam bằng được Thái Lan, Lào, Campuchia…?” Đây có lẽ là câu hỏi lớn nhất và được nhiều người quan tâm nhất trong năm 2015 vì nó được đặt ra đối với bộ trưởng Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trong buổi chất vấn tại quốc hội vừa qua.
Nếu như năm 2000 Campuchia chỉ đón hơn 400.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2014 con số này đã tăng lên gấp 10 lần với 4,5 triệu khách. Tại Lào, con số du khách đã tăng từ 700.000 lượt khách sau 10 năm đã tăng lên trên 4 triệu lượt khách. Còn với du lịch Việt Nam dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng về cảnh quan, con người hơn nhưng đến năm nay cũng chỉ gần 8 triệu lượt khách quốc tế.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tìm được những giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng ngành du lịch và liệu rằng đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam có thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, trước quốc hội cũng phải thừa nhận trong bế tắc rằng điều này phải chờ người kế nhiệm trả lời!
Vì sao đại biểu cười trong phần Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn?
Ông Phạm Trung Lương, viện nghiên cứu du lịch Việt Nam cho rằng: Trong khi ngành du lịch Việt Nam đang giậm chân tại chỗ thì các nước trong khu vực lại phát triển vượt bậc. Do đó, muốn ngành du lịch đột phá phải xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, tách bạch với văn hóa, thể thao và lập một bộ riêng bởi du lịch là làm kinh tế, dịch vụ. Cần lộ trình phát triển bài bản, kêu gọi nhà đầu tư tham gia và có chính sách ưu đãi để Doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào du lịch chứ đừng mang tính xin - cho, đừng làm du lịch theo kiểu tư duy nhiệm kỳ!
Năm 2015 cũng là năm du lịch Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội quảng bá vàng đến từ các đoàn làm phim quốc tế. Từ đầu tháng 5/2015, truyền thông Việt Nam đã đưa tin rầm rộ Warner Bros đến Việt Nam quay phim PAN tại Sơn Đoòng (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long, Tràng An (Quảng Ninh), nhưng đến tận lúc bộ phim ra mắt vào đầu tháng 10 vừa qua, khi làm quảng bá tại thị trường Việt Nam, nhiều người dân mới biết.
Còn nhớ bộ phim Chúa tể của chiếc nhẫn, chỉ với những canh quay ở New Zealand mà trong vòng 6 tháng sau đó, số lượng khách đến với New Zealand tăng gấp 5 lần. Còn Thái Lan mời đoàn làm phim A lot of Chang Mai và sau khi trình chiếu bộ phim này, lượng khách đến với Thái Lan nhiều đến mức các nhà quản lý đất nước này phải tìm cách để hạn chế.
Phim "Pan" có cảnh quay ở Việt Nam. |
“Thế nhưng du lịch Việt Nam đã bỏ qua cơ hội vàng để thu hút khách. Không chiến lược, không thông tin, thủ tục cấp phép quá ngặt nghèo khiến nhiều đoàn làm phim đã phải từ bỏ ý định chọn bối cảnh ở Việt Nam, điển hình như bộ phim Điệp viên 007.” - Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch thừa nhận sự thiếu chuyên nghiệp này.
Điểm sáng duy nhất của ngành Du lịch trong năm qua là việc đã triển khai được việc miễn thị thực cho 6 thị trường trọng điểm gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy trong một năm; Belarus trong 5 năm tính từ ngày 1/7/2015. Tuy nhiên ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Hanoi Red Tours cho rằng: “Thị thực chỉ là một trong nhiều yếu tố hấp dẫn khách quốc tế. Để du lịch phát triển bền vững, việc miễn thị thực phải xác định lâu dài. Thời gian lưu trú cũng phải nới dài thêm. Đồng thời với việc miễn thị thực, các ngành chức năng của Việt Nam cần phải đảm bảo không tăng phí các dịch vụ khác, như phí tham quan… Nếu không, dù miễn cho khách lệ phí thị thực, nhưng lại tăng vô tội vạ những khoản lệ phí khác thì du khách cũng sẽ nản ngay…”