Chùa nhiều vô kể

Mặc dù các cái tên như “đất nước chùa tháp” dành cho Campuchia, “đất nước chùa Vàng” dành cho Thái Lan, nhưng ấn tượng đầu tiên khi bắt đầu chuyến du lịch ở Myanmar là “chùa, tháp nhiều vô kể”. Đến bất cứ thành phố nào của đất nước còn khá hoang sơ này, chúng tôi đều nhìn thấy hình ảnh đầu tiên là những ngọn tháp nhấp nhô. Bên cạnh những ngôi chùa nổi tiếng và “hoành tráng” như Swedagon tại Yangoon, Swezigon tại Bagan, thì còn vô số những chùa tháp to nhỏ khác nhau mà du khách không thể nhớ hết tên.

chua-6.jpg
Chùa Swedagon tại Yangoon

Bên cạnh những ngôi chùa lớn, với nhiều ngọn tháp và nhiều tượng Phật khác nhau, mà do sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ chúng tôi không thể hiểu và nhớ hết, nhiều ngôi chùa ở Myanmar khá đơn giản. Mỗi ngôi chùa chỉ có một pho tượng Phật lớn chính, và tên đức Phật đó trở thành tên chùa.Ví dụ như Chùa phật 4 mặt Kyaikhpun - Ngôi chùa được xây dựng với nhiều nét kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc củaPhật giáo Myanmar. Hay như Chùa Shwethalyaung với tượng Phật nằm lớn thứ 2 thế giới, dài 55 m, cao 16 m được xây dựng từ thế kỷ thứ 9. Cả 2 ngôi chùa này đều ở thành phố Bago.

Mandalay và Bagan là 2 thành phố nhiều chùa nhất Myanmar.Trong đó, Bagan là trung tâm đền chùa nổi tiếng của du lịch Myanmar, từng là thủ đô của Vương quốc Bagan hùng mạnh.Với hơn 2.000 đền chùa còn lại đến ngày nay trong tổng số 10.000 kiến trúc tôn giáo thời xưa. Các đền chùa tiêu biểu nhất của Bagan là chùa vàng Shwezigon, đền Ananda với 4 tượng Phật vàng ở 4 hướng, đền Thatbyinnyu – đền cao nhất ở Bagan, đền Shwegugyi và chùa Shwesandaw – nơi lưu giữ xá lợi và tóc của Đức Phật.

Người dân chất phác, thật thà

Ấn tượng thứ 2 trong chuyến du lịch đến Myanmar chính là người dân nơi đây.Với vốn tiếng Anh không khá lắm, phát âm khá khó nghe nhưng hầu hết những người dân ở đây đều rất nhiệt tình chào đón khách du lịch, chỉ đường tận tình, kể những câu chuyện họ biết về văn hóa và đất nước cho du khách nghe.

Trước khi đến Myanmar, chúng tôi đã được giới thiệu là taxi ở đây khá rẻ, người lái taxi thì thật thà.Quả nhiên, người lái taxi đầu tiên chúng tôi gặp là người chở chúng tôi về khách sạn. Dọc đường đi, anh ta nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng tôi đủ thứ thông tin, từ việc ngôi chùa nổi tiếng ở Yangoon Swedagon mở cửa từ mấy giờ đến mấy giờ, có những cổng ra vào thế nào, cho đến việc ra China town (khu phố người Hoa) buổi tối ra sao. Sau khi nhận lời với chúng tôi là đưa về khách sạn để chúng tôi nhận phòng, sẽ đưa chúng tôi đi chơi tối ở Yangoon với giá 4 USD, phải đến 1 giờ sau chúng tôi mới ra xe đi được, mà anh lái taxi vẫn không hề kêu ca hay đòi tăng thêm tiền vì phải chờ lâu.

Người lái xe thứ 2 cũng vô cùng ấn tượng với chúng tôi, mà chúng tôi gọi đùa anh ta là “bố trẻ” vì suốt cuộc hành trình anh chăm sóc chúng tôi một cách tế nhị và nhiệt tình như chăm sóc những người chị, người em của mình vậy. Khi đưa chúng tôi ra bến xe để lên núi đi đến Chùa Hòn Đá Vàng (chỉ có một phương tiện duy nhất được đưa khách lên núi này là xe tải), các chuyến xe vô cùng đông đúc và phải chen lấn nhau, anh lái xe đã nói chuyện với người lái xe tải để dành cho chúng tôi chỗ ngồi tốt nhất có thể, khi chúng tôi yên vị trên xe rồi anh mới yên tâm vẫy tay chào chúng tôi. (Đến hôm sau, khi từ núi xuống, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và mừng húm khi trông thấy gương mặt quen thuộc của anh ra đón xe từ xa).

Hầu hết những người dân mà chúng tôi gặp và trò chuyện, họ đều tỏ ra rất hiếu khách, làm đúng phận sự của mình và giúp chúng tôi hiểu thêm về đất nước và văn hóa của họ. Một cô gái bán trái cây, một thứ trái cây tương tự như quả thốt nốt hay dừa nhỏ, thấy chúng tôi tò mò với trái cây, đã sẵn lòng lấy trái mới ra, chặt và bóc để chúng tôi xem bên trong trái cây đó thế nào.

Cô gái bán trái cây ở thành phố Bago nhiệt tình bổ trái cây cho chúng tôi xem 

Một anh chàng đánh xa ngựa luôn miệng nhai trầu đã lấy trầu ra mời chúng tôi khi biết rằng Việt Nam cũng có phong tục ăn trầu (Thú thực là trầu của họ không ngon bằng trầu của Việt Nam, vì họ chỉ ăn lá trầu không quết vôi và hạt cau khô). Một anh lái thuyền đưa chúng tôi đi chơi làng du lịch ở hồ Inle, khi chúng tôi chụp cảnh hoàng hôn trên hồ, đã rất sẵn lòng làm “người mẫu” để chúng tôi có những tấm ảnh như ý, miệng cười tươi và còn pha trò: “Action, cut!” (Diễn, cắt)…

Đất nước Phật giáo với nhiều bản sắc

Phật giáo là Quốc đạo ở Myanmar, thành phố nào cũng xây dày đặc các chùa tháp.Người dân một lòng thờ Phật, luôn luôn phát tâm công đức cho chùa chiền. Đến mọi ngôi chùa, điều dễ nhận thấy là các tấm bia, tấm bảng ghi nhận công đức của các phật tử khắp nơi trên thế giới và trên đất nước Myanmar. Dọc đường đi, mỗi chặng dừng chân lại có một nhóm những thiếu niên tay bưng các “bình bát” đi xin du khách phát tâm công đức cho nhà chùa. Có thể người dân còn nghèo, nhưng họ luôn sẵn lòng công đức cho chùa, hoặc tự nguyện đi vận động công đức.

Một nét văn hóa rất riêng ở Myanmar là chỉ cần vào khuôn viên của bất cứ ngôi chùa nào, dù là khách du lịch hay người hành hương đều phải bỏ giày dép, bỏ cả tất chân đi vào chùa.Dường như các nhà sư trụ trì đều mong người dân phải tiếp xúc với đất Phật bằng bàn chân trần của mình để cảm nhận sự linh thiêng của đức Phật.

Cá biệt một số nơi còn có biển ghi: “Phụ nữ không được phép mặc quần vào khu vực này” (phụ nữ chỉ được mặc váy). Tuy nhiên, những người bảo vệ cũng linh động đối với du khách nước ngoài, chỉ yêu cầu du khách không được đi giày, dép và đi tất vào khuôn viên.

Đôi điều còn lăn tăn

Cũng liên quan đến việc “cho phép” và “không cho phép” như vừa nói, một số gian thờ chính hoặc khu vực “đặc biệt linh thiêng” đối với Phật giáo ở Myanmar không cho phép phụ nữ đi vào hoặc tiếp xúc gần. Đặc biệt, tại Chùa Hòn Đá Vàng (Golden Rock), chúng tôi muốn lại gần tảng đá vàng linh thiêng thì bị bảo vệ cản lại và chỉ vào tấm biển “Phụ nữ không được vào đây”.

Phương tiện giao thông lưu hành ở các thành phố ở Myanmar chủ yếu là ô tô. Nhưng điều khác biệt ở đây là, xe lưu thông nửa đường bên phải, nhưng lái xe vẫn sử dụng tay lái nghịch. Nghĩa là lái xe thì ngồi bên phải, nhưng khi cần vượt xe trước thì vẫn phải vượt lên trái, rất bị chắn tầm nhìn, trông khá nguy hiểm.

Như ở phần trên đã nói, người dân Myanmar rất chân thật, hiền lành, thân thiện với du khách.Song không phải không có những hạt sạn, đã chớm xuất hiện hiện tượng trẻ em kéo nhau ra đường xin tiền khách du lịch. Trên hồ Inle, khi thấy thuyền du lịch đến, những người dân chài liền biểu diễn kiểu chèo thuyền bằng chân độc đáo, tay cầm nơm úp cá, và sau đó chèo kéo xin tiền.

Đất nước Myanmar thanh bình, với nền văn hóa đặc sắc sẽ tiếp tục hấp dẫn các du khách khắp nơi trên thế giới nếu gạn đi được những hạt sạn trong ngành du lịch của mình.

Một số hình ảnh tại đất nước Myanmar:

Du khách thích thú với nét văn hóa Phật giáo đặc sắc ở Myanmar
Thành phố Bagan với hơn 2.000 ngôi chùa tháp cổ
Chùa Kyaikhtiyo hay còn gọi là Chùa Hòn Đá Vàng
Chùa Shwethalyaung với tượng Phật nằm lớn thứ 2 thế giới, dài 55 m, cao 16 m được xây dựng từ thế kỷ thứ 9
Chùa Phật 4 mặt Kyaikhpun 
Người lái đò trên hồ Inle, thành phố Heho