Du lịch Thủ đô sôi động trở lại
Ngày 15/3/2022, Chính phủ đã chính thức mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch. Ngành du lịch Thủ đô đã chủ động xây dựng phương án mở cửa, khôi phục lại các hoạt động và sản phẩm du lịch, đưa du lịch dần trở về trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, “Du lịch Hà Nội chào 2022” với chủ đề “Get on Hanoi 2022” là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các sự kiện, lễ hội, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sôi động, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch đến Hà Nội.
Hiện nay, đa số cơ sở du lịch, giải trí và các điểm đến tại Hà Nội đã đón khách trở lại. Các bảo tàng, công viên, điểm tham quan và di tích nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò hay Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đều sẵn sàng đón khách. Mới đây sau thời gian dài tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận (quận Hoàn Kiếm) đã mở cửa trở lại.
Ước tính quý I/2022, khách du lịch đến Hà Nội cơ bản là khách nội địa với khoảng 2,8 triệu lượt khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng khách đến Hà Nội tăng trở lại là động lực để các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn khôi phục hoạt động. Trong đó, các khách sạn tại Thủ đô rất tích cực chuẩn bị vì Hà Nội là trung tâm nhận khách quốc tế hàng đầu cả nước.
Đại diện khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, ông Anthony Slewka - Giám đốc Sales & Marketing cho biết việc mở cửa ngày 15/3 là "thông tin tuyệt vời". Đơn vị này kỳ vọng khách hàng doanh nghiệp sẽ quay trở lại trước tiên, sau đó là các thị trường Âu, Mỹ, Australia vào cuối năm nay. Khách sạn này cũng chủ động liên hệ với đối tác quốc tế từ đầu tháng 12 năm ngoái, đồng thời sẵn sàng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân lực khi hoạt động bình thường trở lại.
Ông Marc Selinger - Giám đốc Khách sạn Meliá Hanoi cho biết đơn vị này luôn duy trì tất cả các tiêu chuẩn an toàn theo chương trình StaySafebyMelia, do đó tự tin chào đón du khách trở lại bất cứ lúc nào: "Chúng tôi đã tận dụng 2 năm gần đây để cải tạo các cơ sở vật chất phục vụ hội họp, khu giải trí và một số hạng phòng. Cùng với đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết luôn nỗ lực hết mình, chúng tôi tin tưởng rằng khách sạn đã chuẩn bị tốt cho việc mở cửa trở lại với du lịch quốc tế".
Nhiều sản phẩm du lịch mới
Một điểm nhấn trong dịp tái khởi động du lịch Hà Nội là ngày hội khinh khí cầu, diễn ra trong 3 ngày 25 – 27/3 tại quận Long Biên, với rất nhiều hoạt động hấp dẫn đi kèm đã tạo ra hình ảnh mới mẻ về điểm đến Hà Nội. Tại lễ hội, du khách được bay trải nghiệm với khinh khí cầu ngắm cảnh Hà Nội từ trên cao, thưởng thức “Đêm hoa đăng khinh khí cầu” và tham quan, chụp ảnh bên trong lòng khinh khí cầu.
Các tour du lịch mới lạ cũng liên tục được xây dựng, bổ sung phục vụ nhu cầu của du khách đến Hà Nội. Đáng chú là các sản phẩm “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp thực hiện; tour đạp xe cao cấp "Một ngày khác lạ giữa lòng Hà Nội quen" của Công ty Amica Travel; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” hay tour đêm Hỏa Lò “Đêm linh thiêng sáng ngời tinh thần Việt”…
Hoạt động du lịch tại các điểm đến ngoại thành cũng dần được khôi phục theo hướng đổi mới, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cho biết Đường Lâm đang chuẩn bị các chương trình du lịch di sản gắn với gia tăng trải nghiệm; đặc biệt sẽ xây dựng tour du lịch đêm và sáng sớm đưa du khách khám phá nghề truyền thống và cuộc sống làng quê.
Tại Ba Vì, sau lễ phát động du lịch sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 4, hàng loạt chương trình kích cầu, thu hút du khách sẽ được tổ chức như lễ hội “Chợ phiên Mường - Dao Ba Vì; công bố sản phẩm du lịch sức khỏe gắn với tắm thuốc thảo dược; lễ hội khinh khí cầu tại Vườn quốc gia Ba Vì; hội nghị xúc tiến, giới thiệu du lịch Ba Vì... Khi đến Ba Vì, du khách có thêm lựa chọn khám phá văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường; trải nghiệm trồng rau, chế biến nông sản, tham gia sản xuất nông nghiệp với người dân như trồng chè, trồng bưởi.
Tại huyện Gia Lâm, các tour du lịch đến làng nghề gốm Bát Tràng đang được đầu tư và đổi mới. Ông Phạm Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết địa phương đang nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ du khách; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh phấn đấu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng các con đường hoa, tranh tường bích họa... Xã Bát Tràng đang có kế hoạch tổ chức phiên chợ đêm để thu hút du khách, song song với khởi động lại hoạt động du lịch trong năm 2022.
Nhìn chung, ngành du lịch Hà Nội hiện đã sẵn sàng phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, các đơn vị cung ứng dịch vụ, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội đã sẵn sàng chào đón du khách cả nước và bạn bè quốc tế đến Hà Nội”./.