Chỉ vài năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng (homestay) bắt đầu phát triển ở nước ta, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Mô hình này đã mang lại hiệu quả, không chỉ phát huy thế mạnh văn hóa bản địa của các dân tộc mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân nhiều địa phương của Việt Nam.
Vợ chồng anh Giàng A Tú và chị Mã Thị Chú ở thôn Giàng Tả Chải, xã Tả Van, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, trước đây chỉ biết làm nương rẫy và bán hàng cho khách du lịch thì giờ là chủ của ngôi nhà sàn với gần 20 chỗ nghỉ để đón khách lưu trú tại gia đình. Sau vài tháng hoạt động anh chị đã đón hơn 300 lượt khách.
Khi được hỏi về cách làm du ịch anh Giàng A Tú luôn rất hào hứng trả lời: “Tôi đi học và được biết cách làm du lịch, được học cách tiếp khách, chào mời như thế nào...”.
Du lịch đã đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Qua đó người dân ở các địa phương cũng được giao lưu học hỏi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Tuy nhiên, vì thiếu vốn, lại chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể từ phía cơ quan chức năng nên du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển, thu nhập của người làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên.
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội cho biết: “Quan trọng là mối liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành đến Đường Lâm và người dân Đường Lâm. Chứ hàng chục khách đến Đường Lâm mà người dân hiện nay không biết được lợi cái gì. Các công ty lữ hành người ta đến rồi khai thác lại được hưởng lợi. Chúng tôi thấy bất cập nên đang hướng dẫn cho người dân, cộng đồng dân cư làm thế nào để có thể tạo ra sản phẩm du lịch, phục vụ và bán cho khách du lịch đem về lợi nhuận”.
Có thực tế là một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà sàn, tổ chức đón khách ngủ lại trong làng. Tuy nhiên, đó không phải là du lịch cộng đồng thực sự. Vì vậy, nếu không khảo sát kỹ, doanh nghiệp lữ hành sẽ đưa khách đi nhầm địa chỉ, mục tiêu giúp du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa sẽ không đạt được.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng: “Muốn phát triển du lịch cộng đồng cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt, khí hậu…
Mặt khác, du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của người dân. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển”.
Ông Hà Văn Siêu cũng cho biết thêm: “Muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, phải định hướng giá trị đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng. Thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để mà phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững”.
Tiềm năng to lớn về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía nhà nước để khơi dậy sức dân, để làm du lịch cộng đồng trở thành một hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam…/.