Di sản văn hóa luôn được coi là tài nguyên du lịch quan trọng, hiện đang được khai thác mạnh mẽ, trở thành yếu tố không thể thiếu trong nhiều chương trình du lịch. Tuy nhiên, trong vấn đề này, thách thức lớn nhất là phải đảm bảo tăng trưởng du lịch nhưng không để lại những hậu quả tiêu cực cho văn hóa và môi trường bản địa. Việc làm sao để phát triển du lịch không được gây tổn hại, hoặc đánh mất các giá trị di sản văn hóa là chủ đề được nhiều đại biểu và công chúng quan tâm, bàn luận tại hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và Di sản văn hóa” diễn ra chiều 3/4 tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) với chủ đề “Việt Nam đất nước của các di sản”, do Dự án Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (EU-ESRT) tổ chức, được Liên minh Châu Âu tài trợ.

Di sản văn hóa dưới áp lực phát triển du lịch

Theo TS Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ở Việt Nam hiện có 8 khu di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận. Và một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch trong chiến lược của quốc gia nói chung, hay chiến lược của các tỉnh, các doanh nghiệp du lịch nói riêng, đó là việc phát triển du lịch dựa vào những di sản này thường được tận dụng. Di sản văn hóa sẽ tạo ra nhiều ích lợi cho những bên liên quan.

hue_1_ng_sieh.jpgKhu di tích Cố đô Huế thu hút đông khách du lịch. Ảnh: Lê Hiếu

Việc phát triển du lịch ở địa phương góp phần phục hồi và bảo tồn cho di sản. Đồng thời, lợi ích kinh tế mang lại không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng sống tại các khu di sản, xung quanh khu di sản hoặc những làng nghề. Việc phát triển du lịch tại địa phương có khu di sản cũng tăng cường đối thoại trao đổi giữa các nền văn hóa, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương có những hiểu biết về di sản đó.

Tuy nhiên, bà Dương Bích Hạnh cũng cho rằng, việc phát triển du lịch tại những khu di sản nếu không cẩn trọng, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, mà một trong số đó là cộng đồng địa phương sẽ đánh mất bản sắc văn hóa của mình.

Theo bà Hạnh, rất nhiều di sản trước đây là của cộng đồng địa phương, nhưng khi mở rộng ra, dưới áp lực của du lịch, người dân sẽ thay đổi những hành vi, tập quán, hình ảnh của mình để cho phù hợp với thị hiếu của khách du lịch, từ đó dẫn đến mất bản sắc của di sản. Ngoài ra, đối với những di sản vật thể, những công trình di tích, công trình khảo cổ, việc có quá nhiều khách du lịch tham quan có thể gây ảnh hưởng hư hại nghiêm trọng, mà để trùng tu những hư hại này là một việc rất khó khăn và đắt đỏ.

TS Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội

Bà Hạnh cũng nhấn mạnh: “Có một thực tế là khi một danh thắng trở thành di sản thế giới thì sẽ dẫn đến lượng du khách tăng lên rất đông và nhanh. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với quốc gia thành viên cũng như đối với các địa phương nơi có các di sản, là làm thế nào để có thể cân bằng được việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế đối với việc bảo tồn các di sản này. Bởi vì nếu phát triển du lịch làm ảnh hưởng đến những giá trị toàn cầu của di sản, thì khi đó UNESCO phải xem xét đưa di sản này vào danh sách khuyến nghị bảo tồn”.

Vấn đề bảo tồn di sản phải được đặt lên hàng đầu

Các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong du lịch. Từ các di sản văn hóa nổi tiếng thế giới đến các điểm du lịch với bản sắc văn hóa địa phương trong đó diễn tả lối sinh hoạt hằng ngày của người dân luôn thu hút khách du lịch mong muốn được cảm nhận bản sắc của nền văn hóa người dân địa phương đang sinh sống. Tổ chức Du lịch Thế giới đã ước tính 37% du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực mong muốn tìm hiểu văn hóa. Mối liên hệ quan trọng giữa xã hội và di sản văn hóa được thể hiện rõ nét trong du lịch di sản văn hóa.

Theo bà Dương Bích Hạnh, khách du lịch di sản/ văn hóa đi thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần những khách du lịch khác, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và họ cũng chi tiêu nhiều hơn. Đây cũng là điều mà chúng ta muốn hướng đến trong chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn di sản phải được đặt lên hàng đầu. Nếu các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào khai thác mà không bảo tồn thì chỉ sau 5, 10 năm di sản sẽ kiệt quệ, không còn gì để khai thác nữa.

Ông Kai Partale, Chuyên gia phát triển Ngành của Dự án EU-ESRT, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kết nối chặt chẽ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các nguyên tắc và hoạt động Du lịch có trách nhiệm. Du lịch có trách nhiệm là khám phá vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa đồng thời không để lại những tác hại tiêu cực lên các điểm di sản.

Ông Kai Partale, Chuyên gia phát triển Ngành của Dự án EU-ESRT

Chuyên gia Kai cho rằng cần tiếp thị các sự kiện văn hóa nổi bật của Việt Nam đồng thời lồng ghép những lời khuyên hữu ích dành cho du khách khi tham gia các sự kiện này.

Cũng theo ông Kai, để các di sản văn hóa hấp dẫn khách du lịch thì cần phải xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề, mang đậm tính văn hóa, tăng cường thông tin cho du khách, đặc biệt là các công cụ thông tin trực tuyến.

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch khẳng định: “Du lịch có trách nhiệm sẽ là con đường để đạt được sự phát triển bền vững. Du lịch có trách nhiệm hướng tới mục tiêu cung cấp những kinh nghiệm tích cực cho du khách và cộng đồng dân cư địa phương, nâng cao nhận thức về sự tôn trọng đối với môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch. Cách tiếp cận phát triển du lịch có trách nhiệm cần trở thành một trong những giải pháp trụ cột nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa tại Việt Nam”.

Du lịch có trách nhiệm áp dụng cho các di sản văn hóa sẽ không chỉ giúp nâng cao mức sống của người dân địa phương xung quanh khu di sản, mà còn duy trì và quảng bá văn hóa truyền thống. Ngoài ra, Du lịch có trách nhiệm là con đường tạo thêm công ăn việc làm và đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy khám phá giao lưu văn hóa và xây dựng niềm tự hào của cộng đồng./.