Du lịch – ngành kinh tế quan trọng của châu Âu tiếp tục gặp khó khăn trong nỗ lực hồi phục. Lượng khách quốc tế đến châu Âu năm ngoái đã giảm gần 70% so với năm 2019; và trong 5 tháng đầu năm nay, con số này tiếp tục giảm 85%. Văn phòng thống kê của Vương quốc Anh thậm chí phải tạm ngừng dữ liệu khách quốc tế hàng tháng, vì cho biết không có đủ lượng người đến “để cung cấp các tính toán”.
Tại Pháp, khách du lịch sẽ phải có chứng nhận Covid-19 để được phép vào thăm các địa điểm văn hóa và du lịch. Việc sử dụng chứng nhận có thể mở rộng vào tháng tới đối với các nhà hàng và quán cà phê. Tháp Eiffel ở Paris chứng kiến khách du lịch xếp hàng dài để làm xét nghiệm Covid-19 trước lối vào. Johnny Nielsen – một du khách từ Đan Mạch tỏ ra hoài nghi về biện pháp này: "Tôi phải xét nghiệm để được lên tháp Eiffel, tuy nhiên rất có thể tôi sẽ bị nhiễm bệnh ngay khi xếp hàng tại đây".
Italy cũng thông báo mọi người sẽ cần một tấm vé tương tự để vào các viện bảo tàng và rạp chiếu phim, để dùng bữa bên trong các nhà hàng và quán cà phê, vào hồ bơi, sòng bạc và một loạt các địa điểm khác.
Tại Hy Lạp, nơi các ca nhiễm Covid-19 cũng đang tăng mạnh, nhà chức trách đã bày tỏ lo ngại rằng tỷ lệ tiêm chủng chậm có thể làm tổn hại ngành du lịch đang gặp khó khăn. Nhà chức trách phải thắt chặt các hạn chế đối với khách du lịch và người dân chưa được tiêm phòng, cấm họ vào tất cả các địa điểm ăn uống và giải trí trong nhà.
Ủy ban Du lịch châu Âu dự báo khách quốc tế đến châu Âu năm nay chỉ bằng một nửa so với năm 2019, vì ít khả năng đón khách từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Thêm vào đó, một số quốc gia đã gây ra hỗn loạn với những thay đổi vào phút chót đối với các quy tắc nhập cảnh.
Tuần qua, Mỹ đã nâng cảnh báo du lịch đối với Anh lên mức cao nhất, đồng thời khuyến cáo người Mỹ tránh đi du lịch đến đất nước này vì nguy cơ cao từ các biến thể. Quyết định của Đan Mạch đưa Anh vào danh sách "đỏ" về các quốc gia bị hạn chế đi lại khiến cho các kế hoạch nghỉ hè phải thay đổi. Trong khi đó, chính phủ Vương quốc Anh bất ngờ thông báo rằng du khách đến từ Pháp sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày, khiến du khách và ngành du lịch Pháp tức giận.
Một công ty du lịch tại Montenegro cho biết, mùa hè năm ngoái, lượng đặt phòng giảm 10% so với thông thường, còn bây giờ là 30% và tiếp tục giảm nhanh. “Thật khó để mọi người luôn cập nhật xem cần những gì để đi những đâu, vì quá nhiều quốc gia với quá nhiều quy tắc khác nhau. Nó giống như những cạm bẫy. Một nửa số email chúng tôi nhận được là những câu hỏi kiểu như 'chúng tôi cần phải làm gì nếu muốn đi du lịch?' – đại diện công ty này chia sẻ./.